Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 đạt trên 11 tỷ USD

TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, những năm gần đây, ngành lâm nghiệp có bước phát triển tốt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, riêng năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thể vượt 11 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 vượt mốc 11 tỷ USD

Thưa ông, đến thời điểm này, đâu là những điểm nhấn của ngành Lâm nghiệp trong năm 2019?

Có thể nói rằng, nếu không có gì đột biến, độ che phủ rừng năm 2019 khả năng đạt, vượt mục tiêu ở mức tối thiểu 41,85%, tăng trưởng GDP của ngành trên 5%.

Sản lượng gỗ rừng trồng khoảng 20 triệu m3, kim ngạch xuất khẩu không thấp hơn 11 tỷ USD, so với mục tiêu ban đầu chỉ 10-10,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, để ngành lâm nghiệp có thể phát triển được với tốc độ hai con số như những năm qua, hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết.

Vậy, đâu là những vấn đề mà ông lưu ý?

Trước hết, chúng ta phải giữ được thị trường ổn định như hiện nay, nhất là thị trường chủ chút như Hòa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và một số thị trường khác như Hàn Quốc.

Cùng đó, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Trong đó, Nhà nước phải tạo cơ chế, đặc biệt là đất đai để hình thành các khu công nghiệp, gắn liền dịch vụ cảng để tạo lợi thế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ, các địa phương tập trung hình thành, phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ ở miền Trung và phía Bắc, trước hết ở Nghệ An.

Ngoài ra, có thể mở rộng khu công nghiệp chế biến gỗ quanh ở TPHCM, trong đó lợi thế là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Nếu không mở thêm khu công nghiệp chế biến gỗ, đến năm 2025 chúng ta khó cán đích mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng ta ngành gỗ phát triển được là nhờ nguồn nguyên liệu trong nước. Bởi, về cơ bản, dư địa gỗ nguyên liệu nhập khẩu khó tăng lên được, nhất là gỗ tròn. Vài năm nay, giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu chỉ xoay quanh khoảng 2 tỷ USD, riêng năm 2019 khoảng 2,3-2,4 tỷ USD.

Do vậy, chúng ta phải kiên trì đẩy nhanh tiến độ chuyển sang rừng trồng năng suất cao hơn, bằng phương thức chọn giống, từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Thưa ông, đến nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam ra sao?

Việt Nam hiện có khoảng 250 nghìn hécta được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Dù nỗ lực lớn, nhưng con số trên còn thấp so với mục tiêu khoảng 3 triệu ha là rừng trồng, rừng sản xuất được cấp chứng chỉ.

Diện tích được cấp chứng chỉ trên đều do các tổ chức quốc tế cấp, nhưng tới đây Việt Nam sẽ tự cấp loại chứng chỉ này.

Như vậy, chúng ta vừa đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ cho các chủ rừng, đồng thời hỗ trợ cho hàng triệu hộ nông dân trồng rừng, hướng dẫn họ quản lý rừng bền vững.

Việc tự cấp chứng chỉ rừng bền vững sẽ mang lại lợi thế gì cho ngành lâm nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Trong năm 2019, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp làm thí điểm cấp chứng chỉ cho hàng chục nghìn hécta cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. 

Tổng cục đã ký kết với tổ chức PEFC- Tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc tế để hài hòa các quy định chung. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ trong những năm tới.

Làm được việc này, có ý nghĩa rất lớn. Chính sách pháp luật của chúng ta được quốc tế thừa nhận, sẽ nâng cao vị thế quốc gia.

Nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước ngày càng tăng đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu 

Hiện quốc tế đánh giá rừng trồng của Việt Nam là bền vững. Vậy tại sao chúng ta không nâng tầm loại chứng chỉ do Việt Nam cấp thành chứng chỉ có uy tín, thương hiệu quốc tế? Đây là hướng chúng ta phải làm trong thời gian tới.

Đặc biệt, việc Việt Nam tự cấp chứng chỉ rừng sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho các chủ rừng.

Ông đánh giá thế nào về các gói chính sách hỗ trợ cho người dân trồng rừng thời gian qua, đặc biệt là chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn nhằm phát triển rừng bền vững và cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ thời gian tới?

Chúng ta đã có nhiều chính sách hấp dẫn. Ngay nghị định 57 (thay thế nghị định 210) về khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp, trong đó có ưu đãi cho công nghiệp chế biến gỗ, cơ chế tín dụng cũng được mở rộng; có chính sách hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng… Ngoài ra, chương trình mục tiêu bảo vệ phát triển rừng hàng năm cũng được Nhà nước rót khoảng 1.500 tỷ đồng.

Việt Nam cũng đang thực hiện tốt về cơ chế thu dịch vụ môi trường rừng và tới đây là thu tín chỉ các bon. Hiện chúng ta thu được gần 3.000 tỷ đồng/năm về phí dịch vụ môi trường rừng và đây là nguồn chi trả cho chủ trừng, người dân nhận khoán bảo vệ rừng…

Tuy vậy, vẫn có một số chính sách, nguồn lực cân đối chưa đủ, cần cải thiện thủ tục hành chính, các chính sách tín dụng với những hộ gia đình. Tới đây, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo hiểm với rừng trồng.

Chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ một chính sách cụ thể hơn về chương trình giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ giống cho người dân trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Chẳng hạn, nhiều khu vừng trồng cây keo lai dù mới 7 năm đã rỗng ruột, do vậy, nên chuyển hướng sang cây keo lá tràm để có gỗ tốt hơn.  

Nếu đi theo hướng này, chúng phải chấp nhận thu hoạch chậm hơn nhưng giá trị tăng gấp 2-3 lần… Chúng tôi cũng yêu cầu cơ quan nghiên cứu về tập đoàn cây trồng để phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Xin cám ơn ông!