Xuất khẩu cá tra vừa phục hồi lại đối mặt vô vàn thách thức

TPO - Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, tiêu thụ tại nước ngoài chưa nhiều biến chuyển, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam nửa đầu năm 2021 đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, niềm lạc quan chưa được lâu thì ngành hàng này lại đứng ngồi không yên…
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: CK

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2021, giá trị XK cá tra Việt Nam đạt gần 142,6 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới hết tháng 6/2021, tổng giá trị XK cá tra đạt 780,9 triệu USD, tăng 17%.

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của XK cá tra Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch đạt 206,5 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 6 giảm 11,3%). Thời gian này, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc không dễ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cảng Trạm Giang, một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7/2021…

Thị trường thứ hai là Mỹ, cuối tháng 6/2021, Bộ Thương mại nước này đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 01/8/2018-31/7/2019. Theo đó, hai DN XK cá tra sang thị trường này được hưởng mức thuế CBPG 0%, là một tin vui.

Trước đó, kể từ đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang Mỹ đã từng bước hồi phục dần dần và tăng trưởng dương. Tháng 6/2021, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 34,4 triệu USD, tăng 68%. Tổng 6 tháng đầu năm 2021, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 168,7 triệu USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nửa đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường các nước CPTPP (lớn thứ 3 của XK cá tra Việt Nam) cũng tăng nhẹ 8,8% khi đạt 108,4 triệu USD. Trong đó, nhiều DN đã tích cực chuyển hướng XK sang Mexico, Canada và Australia khi thị trường EU, ASEAN bị gặp khó.

Tính đến hết tháng 6/2021, giá trị XK cá tra sang Mexico đạt 37 triệu USD, tăng 78,3%; sang Canada đạt 18,1 triệu USD, tăng 17,7% và sang Australia đạt 15,4 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái…

Tuy nhiên, những kết quả lạc quan trên chưa kéo dài được lâu thì nhiều khó khăn trở ngại lại xảy đến với ngành cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay, cả người nuôi lẫn DN XK đều đang đứng ngồi không yên vì lo phòng dịch COVID-19.

Theo phản ánh của các DN XK cá tra, hiện nay việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy, vận chuyển hàng hóa đi TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Tuần trước, nhiều container hàng thủy sản bị ách tắc tại các chốt kiểm soát vì tài xế vận chuyển hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Trong khi đó, một khó khăn khác là cước vận tải biển quốc tế cũng đã tăng gấp 5-7 lần, trong khi giá XK tại nhiều thị trường đứng im…

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: CK

Tại ĐBSCL, theo tìm hiểu của PV, giá cá tra nguyên liệu sau khi tăng dần trong những tháng đầu năm (tăng từ 1.000-2.500 đồng/kg so với hồi cuối năm 2020), lên mức 22.000 đồng/kg thì gần đây lại quay đầu giảm còn 20.000-21.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi vẫn lỗ bình quân 1.500 đồng/kg…. Tâm lý ngại thả nuôi hay tình trạng “treo ao” vẫn luôn thường trực.

Theo VASEP, hiện nay các DN chế biến thủy sản đều đang đặt vấn đề an toàn, phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc có thể khiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu bị dừng lại, gây thiệt hại lớn tới DN.

Theo VASEP, toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến có hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500-3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000-10.000 lao động, mật độ lao động cao.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động thực sự đang là mối lo lớn. “Khi một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly, không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam” – VASEP cho biết.