Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, tình yêu biển đảo thường trực ở TTN, điều cần làm là khơi dậy tình yêu để từ đó có hành động cụ thể. Chị Hà cho biết, năm qua Đoàn tổ chức 6 chuyến tàu, đưa hàng trăm TTN ra huyện đảo Cô Tô để ba cùng, thấu hiểu nỗi vất vả của ngư dân như thiếu nước ngọt, thiếu điện...Sau mỗi chuyến đi, các em đã có những trang nhật ký chia sẻ cảm xúc, sự trưởng thành trong nhận thức cũng như tình yêu biển đảo lớn hơn. Cũng từ đó, phong trào tiết kiệm được phát động, thu hơn 60 triệu đồng hỗ trợ người dân.
Trung tá Nguyễn Trọng Tứ, Phó Ban thanh niên Quân đội, nhận xét hành động yêu Tổ quốc đôi khi là những việc đơn giản như việc em Hà Châu đã mang nắm đất ra Trường Sa, từ đó dấy lên phong trào Góp đá xây Trường Sa.
Sinh ra ở Hải Dương, cách đây chục năm, Hoàng Văn Thắng là một trong những tình nguyện viên ra đảo sinh sống. Nay là Bí thư huyện Đoàn, anh Thắng đôn đáo với những hoạt động hỗ trợ người dân, giúp thanh niên bám biển, phát triển kinh tế. "Năm 2011, Đoàn bận rộn với những đợt kết nối đất liền. Từ khi được thanh niên giúp đỡ, người dân trên đảo ăn ở đảm bảo vệ sinh hơn. Huyện đảo vẫn còn nghèo, chưa có điện, thiếu nước ngọt, nhưng với tiềm năng du lịch, thanh niên cùng chiến sỹ sẽ quyết tâm vượt khó", anh Thắng nói.
Lục Văn Minh, SN 1981, một trong những cư dân trẻ trên đảo, cho biết đã ra đảo Cô Tô làm việc được 8 năm và hiện là Bí thư Đoàn của ngân hàng. Hồi mới ra đảo cuộc sống khó khăn, bằng sự kiên trì và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Minh cùng nhiều thanh niên từ đất liền đã bám trụ lại đảo và có cuộc sống ổn định. Minh cho biết, khoảng trên 90% cán bộ công nhân viên chức làm việc tại Cô Tô là những người trẻ và ở địa phương khác tới. Vai trò của tuổi trẻ được phát huy trong hầu hết các lĩnh vực… Văn Minh cho rằng Nhà nước cần đãi ngộ hơn nữa để người trẻ yên tâm công tác và cống hiến trên đảo.
Phạm Hữu Quảng, Phó Bí thư Đoàn xã Đồng Tiến (Cô Tô) chia sẻ đây là xã nghèo chỉ có nghề ngư và nông nghiệp, thanh niên là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia tình nguyện giúp đỡ gia đình khó khăn, giúp nhau làm kinh tế...?Thanh niên trên đảo có các mô hình kinh tế như nuôi nhím, cầy hương với quan niệm làm giàu cũng là cách thể hiện tình yêu biển đảo.
Theo bố mẹ ra đảo lập nghiệp từ năm 1985, Nguyễn Văn Đức, SN 1981, quê Hải Phòng giờ đã có một tàu công xuất 42 mã lực để bám biển. Đức cho biết, mỗi năm trừ hết các khoản vẫn lãi trên 300 triệu đồng...
Khơi dậy tình yêu, trách nhiệm
Sau lễ phát động Ngày thanh niên vì biên cương Tổ quốc (7-1 - 2011) ở xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), ĐVTN trên mọi miền đất nước đã có những cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia trong Năm thanh niên.
Hàng trăm nghìn hoạt động liên tiếp, rộng khắp hướng tới biên cương, hải đảo trong năm qua như khám bệnh, phát thuốc; thăm tặng quà bộ đội biên phòng, nhân dân vùng biên giới; thu gom rác và trồng cây chống ngập mặn... Thành Đoàn TPHCM vận động thành lập quỹ Tuổi trẻ vì biên cương Tổ quốc quyên góp trên 300 triệu đồng. Thành Đoàn Hải Phòng quan tâm đến các chiến sỹ, nhân dân đảo Bạch Long Vĩ. Thành Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh việc tuyên truyền vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi, Góp đá xây Trường Sa thu hút nhiều đối tượng tham gia. Cuộc thi tìm hiểu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển thu hút hơn 2,5 triệu bài dự thi; Hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển để lại ấn tượng sâu sắc. Năm 2011, Đoàn thanh niên đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và nhà giàn DK1 hàng trăm phần quà trị giá gần 1 tỷ đồng. Phong trào viết thư gửi Trường Sa được tuổi trẻ cả nước hưởng ứng nhiệt tình.