Đua nhau làm trung gian thanh toán
Ngày 14/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử bị cáo Phan Văn Vĩnh và 91 người khác trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng. Tại tòa, chủ tọa cho xét hỏi các con bạc và đại lý của hệ thống game bài trái phép. Theo cáo trạng, chỉ trong 28 tháng vận hành, hệ thống Rikvip/Tipclup, 23Zdo, Zon/Pen của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đã thu hút 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 tham gia làm trung gian thanh toán, mua bán Rik (tiền đánh bạc trong hệ thống).
Cả 25 đại lý cấp 1 đều được Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn) xây dựng nhằm phát triển, mở rộng mạng lưới game bài rồi nhận tiền bất chính như Vũ Văn Dũng hưởng 4,6 tỷ đồng, Tạ Quang Khoa (bỏ trốn) hưởng hơn 4,5 tỷ đồng... Đến lượt mình, các đại lý này lại mở rộng, phát triển hệ thống đại lý cấp 2; lập các trang facebook, zalo, treo băng rôn... để quảng cáo các hình thức đánh bạc và mua bán Rik đồng thời lôi kéo người chơi. Đáng chú ý, Trung chỉ đạo các đại lý cấp 1 không gặp trực tiếp đại lý cấp 2, chỉ giao dịch online.
Làm trung gian thanh toán, các đại lý cấp 2 được hưởng chênh lệch khi mua bán Rik với người chơi, được đại lý cấp 1 chuyển cho 1% tổng doanh thu của tháng. Người chơi bạc phải chịu thiệt khi mua, bán Rik với các đại lý; chịu mất toàn bộ Rik nếu tham gia đánh bạc bị thua. Dù thắng, con bạc cũng chỉ nhận số Rik tương ứng trò chơi sau khi bị trừ 2% số tiền trúng thưởng.
Dũng nói.
Các đại lý cấp 2 và con bạc có nhu cầu mua bán Rik phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc chuyển Rik vào tài khoản hệ thống của Dũng để bị cáo chuyển lại Rik hoặc tiền tương ứng. Với các đại lý cấp 2, Dũng cho biết hằng tháng đều thưởng cho họ theo doanh thu nhiều ít, thường là 5 triệu đồng; trả thưởng, chi tiền cho họ đi du lịch... Theo Dũng và một số bị cáo là đại lý cấp 1 khác, họ chỉ hưởng lợi từ đua top doanh thu và Vippoint (có thể đổi ra
tiền mặt).
Các con bạc khai đều thua cháy túi
Bị cáo Đỗ Hữu Tư (SN 1989) với tên hiển thị “thần bài PT89” có 2 tài khoản đăng nhập Rikvip/Tipclup và thường mua Rik trên trang chủ của hệ thống để đánh bạc. Tư khai, ban đầu mình chỉ chơi tài xỉu để giải trí nhưng sau đó quá ham mê, không ngừng đặt cửa nên đã thua rất nhiều, có ngày đã thua bạc hơn 22 triệu đồng. Theo ghi nhận, trong số 44 người bị truy tố về hành vi đánh bạc, đa số đều “cháy túi” khi tham gia chơi trên các cổng game của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Thậm chí có bị cáo vay tiền ngân hàng đổ vào cờ bạc
trên mạng.
Một bị cáo khác, Trần Thiện Tiến (SN 1987, tại ngoại) đã không có mặt khi chủ tọa yêu cầu lên bục khai báo. Một lúc sau Tiến mới có mặt. Theo cáo trạng, Tiến đã chơi bạc trên các cổng game trong vụ án với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng qua 2 nick khác nhau. Tại tòa, Tiến phủ nhận, cho rằng mình chỉ dùng 1 nick để chơi bạc, và một người chơi cũng không thể dùng 2 nick trong cùng 1 lúc. Trước lời khai mâu thuẫn, chủ tọa yêu cầu bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn- nhân viên kỹ thuật vận hành các cổng game lên đối chất. Theo Tuấn, người chơi có thể dùng bao nhiêu nick cùng lúc tùy ý, nói: “Nếu có 1.000 máy tính, người chơi có thể dùng 1.000 nick một lúc”.
Tuy nhiên, Trần Thiện Tiến vẫn khẳng định lời khai của mình và cho rằng bản thân xác nhận sử dụng 2 nick trong bản cung vì điều tra viên nói để hoàn thiện hồ sơ nên mang ra quán cà phê cho bị cáo ký giúp. Ngoài ra, Tiến từng đến trụ sở cơ quan công an nơi Tiến sinh sống tự thú về hành vi đánh bạc trước khi bị Công an tỉnh Phú Thọ điều tra nhưng không được giải quyết.
Đáp lại, kiểm sát viên khẳng định đã có mặt trong buổi đối soát các nick đánh bạc của Tiến và thực hiện đúng quy định vì vậy việc bị cáo “phản cung” tại tòa là không có căn cứ. VKSND tỉnh Phú Thọ cũng từng tìm hiểu nhân thân của bị cáo và được công an địa phương trả lời, Tiến có biểu hiện sử dụng ma túy. Từ đó, kiểm sát viên đề nghị tòa bác quan điểm của Trần Thiện Tiến. Chủ tọa cho biết sẽ xem xét vấn đề này.
Vì sao các bị cáo không bị còng tay?
Về việc các bị cáo tạm giam trong vụ án này không còng tay, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết HĐXX phải yêu cầu không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử vì họ chưa được chứng minh là có tội. Với lực lượng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, sẽ không có tình trạng bỏ trốn hoặc gây mất trật tự ảnh hưởng tới an ninh phiên tòa. Theo ông Tuấn, không có quy định bắt buộc còng tay bị cáo tại tòa, điều này phù hợp xu hướng tố tụng và tư pháp hình sự nhân văn. Ngoài ra, các bị cáo được tự do lựa chọn quần áo, trang phục khi dự tòa.
Ông Phan Văn Vĩnh được chăm sóc y tế vì huyết áp cao
Theo thông báo của chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương, HĐXX đã đồng ý yêu cầu của luật sư, để bị cáo Phan Văn Vĩnh được đưa vào phòng chăm sóc y tế do bị huyết áp cao. Trước đó, tại phiên khai mạc xử vụ đánh bạc, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cũng đề nghị HĐXX bố trí đội ngũ y tế túc trực tại phiên tòa do thân chủ của bà sức khỏe yếu, phòng lúc ông Vĩnh "không chịu đựng được". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng bị huyết áp cao tại tòa, buộc phải nhờ sự trợ giúp của đội ngũ y tế.