Trong tháng 1/2015, Thanh tra Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, xử lý 18 trường hợp vi phạm, xử phạt tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Trong đó, mức xử cao nhất là của Công ty DL&TM KTS với xe mang BKS 30A-042.xx - số tiền phạt lên đến 10.500.000 đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra Sở cũng thừa nhận, việc xử lý Uber là rất khó. Bởi muốn phạt 1 phương tiện sử dụng Uber phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng, khẳng định đây là xe kinh doanh, trong khi phương tiện không có lô gô, phù hiệu. Ví dụ, trường hợp khách sau khi sử dụng dịch vụ Uber, xuống xe không cung cấp thông tin về quãng đường đi, phí taxi, cách thức thanh toán. Lái xe chỉ cần nói là chở người nhà, thì Thanh tra cũng không đủ chứng cứ để chứng minh đây là xe kinh doanh, không thể xử phạt phương tiện.
Chánh Thanh Tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết thêm, xử lý Uber rất khó khăn. Để tiến hành kiểm tra, xử lý phương tiện sử dụng phần mềm Uber, Thanh tra phải tạo tài khoản, nhập số thẻ tín dụng để làm khách hàng đi xe thu thập thông tin, để có căn cứ xử lý. “Tuy nhiên, chỉ cần bị phát hiện 1 lần, tài khoản người dùng sẽ bị Uber khoá vĩnh viễn” - ông Hải nói. Được biết, cơ quan Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chưa 1 lần tiếp xúc hay làm việc trực tiếp với Uber.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đồng ý cho phép Uber kết nối với các xe có đủ điều kiện vận tải hành khách. Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội về hoạt động của phần mềm Uber trên địa bàn Thủ đô và yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện. Bộ GTVT khẳng định sẽ chỉ đạo thanh tra đột xuất và định kỳ đối với hoạt động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải có sử dụng phần mềm Uber…