Xử lý hàng giả, hàng nhái: Không chạy theo số lượng, thành tích

TP - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa kiểm tra những địa bàn buôn bán hàng giả, hàng nhái như chợ Ninh Hiệp, Hàng Ngang - Hàng Đào (Hà Nội); các trung tâm thương mại lớn ở Móng Cái (Quảng Ninh) và TPHCM. Các cuộc kiểm tra cho thấy các điểm buôn bán hàng nhái, hàng giả ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay.
Quần áo nhái các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới bán công khai tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) Ảnh: Minh Châu

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng TPHCM tạm giữ 1.834 sản phẩm là túi xách, ví, dây nịt, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, nón có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh. Tổng số hàng hóa vi phạm về xuất xứ trị giá hơn 256,4 triệu đồng.

Ngày 11/7, Tổng cục QLTT phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm tra hai Trung tâm mua sắm lớn tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Số lượng hàng hóa vi phạm tại hai trung tâm này có trị giá khoảng vài chục tỷ đồng.

Còn tại Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Cục QLTT Hà Nội) lập 4 tổ kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh lớn tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, thu giữ 2.670 sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng: kính mắt giả nhãn hiệu Dior, Chanel, Gucci; đồng hồ giả nhãn hiệu Hublot; quần áo giả nhãn hiệu Christion Dior, Nike, Adidas, Louis Vuiton...

Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội QLTT số 14, xử phạt 7 cửa hàng trên 300 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy ước khoảng trên 1 tỷ đồng.
Sản phẩm quần áo giả thương hiệu áo Christian Dior được bán ra từ 60.000 đồng, cao nhất là hơn một trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi theo bà Samantha, Quản lý cấp cao về bảo vệ thương hiệu các sản phẩm thời trang và sản phẩm da của Tập đoàn LVMH tại châu Á, một sản phẩm áo Christian Dior chính hãng có giá khoảng 600 euro (khoảng 15 triệu đồng).

Tại chợ Ninh Hiệp, một kg đồng hồ các loại, có giá từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng. Tính ra, một chiếc đồng hồ chỉ vài chục đến dưới 100.000 đồng. Trong khi đó, giá trung bình của đồng hồ Hublot chính hãng khoảng 17.000 euro, đồng hồ Zenith khoảng 8.000 euro, đồng hồ Tag Heuer khoảng 2.300 euro. “Các tiểu thương ở khắp nơi thường về đây nhập hàng và bán ra cho người dân có thu nhập thấp, thích sử dụng hàng hiệu nhưng không có điều kiện kinh tế”, ông Dương Ngọc Viện cho hay.

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 18/7, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết: Từ đầu năm đến nay, QLTT đã có rất nhiều cố gắng, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; kiểm tra có tập trung, trọng điểm và không lan man như trước.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng thừa nhận, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, những tháng cuối năm 2019 và những tháng tiếp theo, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. “Tổng cục QLTT không chỉ dừng lại ở bắt vụ việc, số lượng bao nhiêu, địa bàn nào, không chạy theo số lượng thành tích, con số thống kê mà cần đi thẳng vào bản chất của vấn đề buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại…” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo ông Trần Tuấn Anh, do lợi nhuận, lợi ích của gian lận thương mại lớn, sự lũng đoạn, tha hóa của một số lực lượng chức năng,… nên việc đầu tiên phải tìm ra nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng.