Xử kín nghi phạm gây 2 vụ thảm sát

TP - Ngày 25-7, phiên tòa đầu tiên xét xử Anders Behring Breivik, nghi phạm gây ra 2 vụ khủng bố liên tiếp làm 76 người chết, được tổ chức dưới hình thức xử kín vì sợ tòa trở thành diễn đàn cho bị cáo kích động chia rẽ sắc tộc, tôn giáo.
Xe cảnh sát đưa Anders Behring Breivik rời tòa án Ảnh: Reuters

> Nghi phạm Na Uy giết 93 người vì thù tín đồ Hồi giáo

Xe cảnh sát đưa Anders Behring Breivik rời tòa án. Ảnh: Reuters.
 

Các thẩm phán Na Uy cho biết, phải mở phiên tòa xét xử kín đối với Breivik vì nghi phạm này công khai bày tỏ ý định biến phiên tòa thành diễn đàn cho y truyền bá tư tưởng bài Hồi giáo ở châu Âu. Thẩm phán Kim Heger nói rằng, nếu phiên tòa mở công khai thì có thể dẫn đến tình huống khó xử bất thường liên quan vấn đề an ninh và công tác điều tra.

Trước đó, Breivik bày tỏ mong muốn rằng, phiên xét xử đầu tiên được tiến hành công khai có sự tường thuật trực tiếp của các nhà báo để y đưa ra những phát biểu chống đạo Hồi cũng như kêu gọi một cuộc cách mạng xã hội ở châu Âu tẩy chay Hồi giáo và người nhập cư.

Breivik cho biết, y đã chuẩn bị các bài diễn thuyết tại tòa và đề nghị cho y mặc quân phục trong lần xuất hiện đầu tiên trước tòa án ở thủ đô Oslo. Breivik còn công khai ý định dùng phiên tòa để tiếp thị cho bản tuyên ngôn của y, trong đó kêu gọi một cuộc cách mạng nhằm loại bỏ toàn bộ Hồi giáo ở châu Âu.

Breivik thú nhận đánh xe bom ở trung tâm Oslo và bắn chết nhiều người tại một trại hè thanh niên ở ngoại ô. Breivik nói rằng, bằng cách gây ra 2 vụ khủng bố đẫm máu đó, y muốn khởi đầu một cuộc cách mạng, truyền cảm hứng cho người dân Na Uy đứng lên loại bỏ tín đồ Hồi giáo và những người nhập cư khác.

Breivik chỉ trích những người có tư tưởng tự do chủ trương xây dựng nền văn hóa đa sắc tộc làm phương hại văn hóa bản xứ ở Na Uy. Breivik bộc lộ quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một bản tuyên ngôn dài 1.500 trang y viết trước khi gây ra 2 vụ thảm sát.

Theo luật pháp Na Uy, mức án tối đa Breivik đối mặt chỉ là 21 năm tù. Tuy nhiên, hệ thống hình phạt của Na Uy quy định, trong một số trường hợp, người bị kết án tù phải sống phần đời còn lại trong nhà giam bất kể mức án là bao nhiêu. Những người chịu bản án vô thời hạn này phải chứng minh không còn nguy hiểm cho xã hội mới có thể được xét ân xá.

Hôm qua, trong buổi lễ mở đầu ngày quốc tang, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg dự một phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân 2 vụ khủng bố ngày 23-7. Thủ tướng đứng trên bậc thềm của Đại học Oslo, cạnh đó là Vua Na Uy cùng Hoàng hậu. Tòa án Hoàng gia Na Uy cho biết, trong số nạn nhân có mẹ kế của Công chúa kế vị Mette Marit và sĩ quan cảnh sát Trond Berntsen - con riêng của cha dượng Công chúa Marit.

Cùng ngày, cảnh sát Pháp khám nhà cha ruột của Breivik đang định cư ở miền nam nước này nhưng từ lâu không liên hệ với con trai. Cuộc khám xét được tiến hành bí mật, các nhà báo không được phép tiếp cận.

Hôm qua, cảnh sát Na Uy giảm số người chết ở trại hè thanh niên xuống 68, nói rằng con số 86 ban đầu là không chính xác vì lực lượng cảnh sát và cứu hộ lúc đó chỉ tập trung giúp đỡ người sống sót, phong tỏa hiện trường. Trong khi đó, số nạn nhân vụ đánh bom tăng từ 7 lên 8. Tổng cộng, số người thiệt mạng trong vụ khủng bố kép là 76, không phải 93.

 

Đ.P (Tổng hợp)

Theo Báo giấy