Xóa bỏ ngành sư phạm trong các trường ĐH đa ngành?

TP - Không nên duy trì việc đào tạo giáo viên trong các trường ĐHSP khép kín và các trường ĐHSP tự chủ phát triển thành các ĐH đa lĩnh vực.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh chụp trước 27/4). Ảnh: Như Ý

Đề xuất cả nước có 3-4 trường ĐH sư phạm trọng điểm

Kết quả Đề tài KH&CN cấp quốc gia Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 do GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, chủ nhiệm cho thấy hiện nay cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm các trường đại học, cao đẳng (CĐ) và trung cấp, trong đó có 14 trường đại học sư phạm (ĐHSP); 48 trường ĐH đa ngành và trường ĐH đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường CĐ sư phạm ở các địa phương; 19 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường trung cấp sư phạm (Trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội, Trường Trung cấp Sư phạm mầm non Đắk Lắk).

Sự kết nối giữa các trường chưa thực sự tốt, chưa thực sự tạo thành một mạng lưới các trường sư phạm thống nhất và có sự phối hợp hiệu quả trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng. Sự mở rộng quy mô đào tạo, thiếu kiểm soát các yếu tố đảm bảo chất lượng, thiếu dự báo về cung và cầu đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm.

Theo số liệu khảo sát nhu cầu đào tạo giáo viên của Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP TPHCM, hằng năm nhu cầu tuyển mới giáo viên phổ thông không quá cấp bách, giai đoạn trước mắt tập trung vào giáo viên mầm non và tiểu học. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy số học sinh mẫu giáo tăng trung bình 7,22%/năm, số học sinh tiểu học tăng trung bình 1,3%/năm, số học sinh THCS và THPT tăng chậm 0,5-1,0%, thậm chí có năm không tăng.

Nhóm nghiên cứu của GS Phạm Hồng Quang đề xuất có thể sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm theo hướng Việt Nam có thể xem xét quy hoạch từ 3-4 trường ĐHSP trọng điểm, trong đó gồm Trường ĐHSP Hà Nội (có thể sáp nhập Trường ĐHSP Hà Nội 2 vào làm cơ sở thứ hai của Trường ĐHSP Hà Nội); Trường ĐHSP TPHCM; 1 trường ĐHSP ở miền Trung để đảm bảo yếu tố địa chính trị, và 1 trường ĐHSP đào tạo giáo viên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Quy hoạch các trường ĐHSP còn lại khoảng 3-4 trường ĐHSP chủ chốt, trải dài theo các vùng miền của đất nước và căn cứ theo năng lực, truyền thống của các trường. Có thể gồm các trường sau đây: ĐHSP Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng, ĐHSP Quy Nhơn, ĐHSP Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ. Các trường này chủ yếu đào tạo bậc ĐH, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo sau ĐH ở một số chuyên ngành nhất định.

Dần xóa bỏ ngành sư phạm trong các trường ĐH đa ngành

Tại cuộc họp với các trường sư phạm, trường có đào tạo giáo viên trên cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói rằng, các trường sư phạm đã, đang và sẽ thay đổi về mô hình theo hướng đa ngành. “Chúng ta chấp nhận mô hình có thể đa dạng, chấp nhận sự chuyển đổi, nhưng điều không đổi là chuẩn về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được. Do đó, các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành cần đặc biệt lưu ý đến các nghiệp vụ sư phạm để không vì xu hướng đa ngành khiến đào tạo giáo viên giảm chất lượng. Với các trường chủ yếu đào tạo giáo viên, cũng cần cân nhắc về mô hình phát triển của mình trong tương lai”, ông nói.

Từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất không nên duy trì việc đào tạo giáo viên trong các trường ĐHSP khép kín và các trường ĐHSP tự chủ phát triển thành các ĐH đa lĩnh vực, trong đó có thể ưu tiên lĩnh vực sư phạm; nên lựa chọn mô hình quy trình đào tạo nối tiếp, đặc biệt đối với giáo viên THPT. Khi tiềm lực kinh tế của đất nước đảm bảo, nên ưu tiên đào tạo giáo viên THPT theo mô hình cử nhân khoa học cơ bản, sau đó đào tạo cao học về giáo dục, giảng dạy.