Ngày làm việc thứ hai của phiên tòa, 2 bị cáo bị tam giam là ông Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng được phép vắng mặt. 8 giờ sáng, Chủ tọa tiếp tục gọi bị cáo Nguyễn Cương.
Chủ toạ Nguyễn Đức Sáu hỏi Cương: “Ngoài việc nhận tiền của Bùi Văn Tuấn (Giám đốc Cty TNHH Tomotake Việt Nam), còn nhận của ai?”. Cương khai: “Có nhận của Lai Wai Hung và Tsang Tak Lung (thuộc Cty Sundence và Learder Once) hai lần, một lần 10.000 USD và một lần 8.000 USD”.
Với số tiền này, Cương xác nhận đã đến nhà riêng của ông Mai Văn Dâu vào tháng 8/2004 và đưa cho ông Dâu 2.000USD. Cương còn nhận của Chou Minh Chen - Tổng giám đốc Cty TNHH Đế Vương 12.000 USD. Số tiền này, Cương cũng khai đưa cho ông Dâu thêm 1.000 USD, phần còn lại bỏ túi xài.
Người thứ hai mà Cương tiếp xúc là Wu Chun Te ở Cty TNHH Lawn Yard (Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân). Tại nơi làm việc của Cương (35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM), Wu đã đưa cho Cương 15.000 USD.
Sau đó Cương đã đưa hai đại diện doanh nghiệp này đến nhà riêng ông Mai Văn Dâu và gặp gỡ ông ta khoảng 4, 5 lần. Tại nơi này, đại diện những doanh nghiệp đều gửi hồ sơ xin xét cấp hạn ngạch và ông Mai Văn Dâu đã có bút phê vào góc trái văn bản: “K/c Vụ XNK….”
Tuy nhiên với những lần nhận tiền và đưa tiền, lời khai của Nguyễn Cương có sự bất nhất. Bởi lẽ, ban đầu Cương thừa nhận đã đưa cho ông Mai Văn Dâu, tổng cộng 6 lần đưa là 38.000 USD, trong đó có 2.000 USD Cương nhờ ông Dâu chuyển cho Mai Thanh Hải. Nhưng, trước toà, Cương đã phản cung và chỉ xác nhận đưa cho ông Mai Văn Dâu tổng cộng 6.000 USD.
Chủ toạ phải trích bút lục nhắc lại lời khai của bị cáo này. Ở lời khai đối chất với bị cáo Mai Văn Dâu, Cương xác nhận đã đưa cho ông Dâu 6 lần tiền, tổng cộng 38.000 USD. Còn với bị cáo Lê Văn Thắng, bị cáo Cương xác nhận đã đưa tất cả 6 lần, tổng cộng 30.000 USD tại nhà riêng của bị cáo Thắng.
Chủ tọa hỏi tiếp: “Cáo trạng truy tố tội danh như vậy, bị cáo có cảm thấy oan ức?”. Cương thừa nhận là không, nhưng vẫn xin toà xét lại việc mình xác nhận chỉ đưa cho ông Mai Văn Dâu có 6.000 USD!
“Cơ chế” làm doanh nghiệp… nghẹt thở!
Về hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp giả Đại học Ngoại thương Hà Nội, Mai Thanh Hải cho rằng, hồ sơ ấy không biết từ đâu mà có! Thậm chí, Hải còn cho biết nó “xuất hiện” trong giai đoạn được chuyển từ Phòng Tổ chức của Cty XNK tổng hợp 1 (Bộ Thương mại) - nơi trước kia Hải công tác, về Vụ XNK.
Bác lời khai của Hải, HĐXX nhấn mạnh: “Bị cáo được yêu cầu bổ sung hồ sơ làm bảo hiểm xã hội từ năm 2002 do chính bà Doãn Thị Thu Hương – cán bộ Phòng Tổ chức Cty XNK tổng hợp 1 yêu cầu và chính bị cáo đã trực tiếp nộp bản sao bằng tốt nghiệp này cho bà Hương”.
Những gì mà đại diện các doanh nghiệp bị truy tố thốt lên trước toà không biết có khiến cho đại diện Bộ Thương mại dự tòa phải suy nghĩ. Đó là “cơ chế” xin - cho quota đã làm doanh nghiệp… nghẹt thở.
Chủ toạ đặt vấn đề với bị cáo Wai Lai Hung (Phó Tổng giám đốc Cty Sundence Clothing Việt Nam): “Tại sao không trực tiếp đến Bộ Thương mại để xin cấp quota mà phải qua Bùi Văn Tuấn?”. “Sợ quota cấp không đủ”- Lai Wai Hung thừa nhận.
Bị cáo Trần Thu Lan (Phó Giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu) cũng xác nhận, nộp đơn gửi Bộ Thương mại xin xét cấp hạn ngạch nhưng chẳng hề nhận được phản hồi. Vì thế phải tìm cửa “chạy” quota.
Từ tháng 6/2003 – 8/2004, bị cáo Lan đã đưa tiền cho Lê Văn Thắng 11 lần, tổng cộng 15.000 USD. Cũng giống “sếp”, Bùi Hồng Minh (tức Minh C, chuyên viên Vụ XNK) nhận tiền từ Lan 3 lần, tổng cộng 2.000 USD. Bị cáo Trần Thu Lan còn khai đưa cho Đỗ Thuý Lan, đồng nghiệp của ông Minh C 500 USD…
Từ việc “bôi trơn” này, Cty Á châu mới có được 89.842 tá hạn ngạch các loại xuất khẩu vào Hoa Kỳ. “Cty tôi có năng lực sản xuất nhưng nếu hàng không giao cho đối tác thì phải chuyển gấp bằng máy bay. Một cái áo giá gia công chỉ có mấy chục cent nhưng khi xin mua quota, đã đội giá lên 3 - 4USD/cái!” – Bị cáo Lan khóc tức tưởi.
Bị cáo Lai Wai Hung cũng như Trần Thu Lan đặt vấn đề, nhiều doanh nghiệp khác cũng chạy quota. Nhưng điều lạ là các doanh nghiệp này không bị xử lý hình sự? Thuộc cấp của Lê Văn Thắng như ông Bùi Hồng Minh, bà Đỗ Thuý Lan… cũng không hề hấn gì(!).
Dấu hiệu sót người, lọt tội!
Cuối giờ chiều, Mai Thanh Hải được Tòa gọi. Hải đã phủ nhận cả hai hành vi mà cơ quan công tố cáo buộc: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và ““Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Trong phi vụ nhận 560 triệu đồng để “chạy” giúp quota cho Cty Qualitex, Hải khai: “Bị cáo quả thực đã có tác động đến bố (ông Mai Văn Dâu) và chú Thắng (ông Lê Văn Thắng)”.
Trả lời với HĐXX lý do vì sao trước đây, tại cơ quan điều tra, bị cáo không thừa nhận việc này thì Hải trả lời: “Vì nếu khai ra, bị cáo sợ ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình”(!).
Trong khi đó, công tố viên cho rằng, trong vụ nhận chạy giúp quota cho Qualitex, Hải không hề có tác động. Sau khi nhận tiền khoảng 2 tuần, Qualitex nhận được thông báo từ Bộ Thương mại về việc cấp 28.000 tá sản phẩm. Điều này Bộ Thương mại cấp đúng chỉ tiêu của Qualitex.
Để bảo vệ cho thân chủ (Mai Thanh Hải), luật sư Phan Trung Hoài đã đặt câu hỏi với ông Đặng Vũ Quang. Từ đây đã làm nổi rõ vai trò của đương sự này.
Theo đó, Bà Nguyễn Thị Mỹ Hà (Phó giám đốc Cty Park’s) đã gặp ông Quang đặt vấn đề “chạy” quota cho Cty của bà (là Cty Qualitex trước đây). Ông Quang hứa sẽ tìm “mối cũ”. Luật sư Hoài hỏi ông Quang: “Mối cũ có phải là Mai Thanh Hải?”. Ông Quang từ chối câu trả lời.
Theo tài liệu điều tra, sau đó ông Quang đã đạt được thoả thuận với Hải nhận “chạy” quota cho Qualitex với giá 1USD/tá. Và ông Quang đã viết giấy xác nhận với bà Hà có nội dung “lo thủ tục giấy tờ” và nhận tiền từ bà Hà 1,5 tỷ đồng. Nhưng ông Quang chỉ chuyển cho Hải 560 triệu đồng (tương đương 30.000USD = 28.000 tá sản phẩm).
Có phải với hành vi này, ông Quang đã thể hiện đầy đủ vai trò như Bùi Văn Tuấn đang bị truy tố tội “Môi giới hối lộ”? Cần nhắc thêm đây cũng là một trong những yêu cầu mà TAND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ trước đó!
Hôm nay (15/3), các bị cáo tạm giam phải có mặt đầy đủ tại Toà.Theo dự kiến, phần thẩm vấn của HĐXX sẽ tiếp tục với hai bị cáo quan chức là Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng.