Xét xử vụ án Ethanol Phú Thọ: Trịnh Xuân Thanh nói 'không có tiền đền'

TP - Ngày 10/3 tại TAND TP Hà Nội, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), là người đầu tiên được thẩm vấn trong phiên xử vụ thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. 
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa

Theo cáo trạng, năm 2007, Cty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ rồi cho mời thầu xây dựng.

Thấy vậy, PVC thành lập liên danh đấu thầu dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng nhưng Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch PVC, xin được chỉ định thầu. Ông Đinh La Thăng,  nguyên Chủ tịch PVN, cũng tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu. Liên danh của PVC sau đó thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn lợi dụng chức vụ của mình để dùng tiền của PVC mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, gây thiệt hại hơn 13,2 tỷ đồng cho PVC.

Khi khai báo, Trịnh Xuân Thanh nói: “Tôi có 3 năm rưỡi ngồi trong tù nhưng tôi nghĩ mãi không biết tại sao vụ án này lại được đưa ra, đặc biệt là với nhà thầu chúng tôi”. Bị cáo này cho rằng, trách nhiệm nếu có trong vụ này thuộc về PVB bởi đây là chủ đầu tư, còn bị cáo và PVC là nhà thầu thi công, tức người làm thuê. Bị cáo Thanh nói: “Năm 2013, tôi không điều hành nữa nhưng có công văn dừng thi công thì chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để thanh lý, bồi thường hợp đồng… nên tiền lãi vay ông chủ đầu tư phải trả sao lại đổ cho nhà thầu xong kéo dài tới năm 2019 khởi tố rồi bắt đền chúng tôi?”.

Trả lời về cách tính thiệt hại 543 tỷ đồng trong vụ án, Trịnh Xuân Thanh nói không đồng tình. “Tôi phân vân về các quyết định đền tiền bị thất thoát, lãi vay. Đây là số tiền rất lớn như tôi phải đền 30 tỷ ở Thái Bình 2, tôi không hiểu lấy đâu tiền mà đền. Đề nghị HĐXX nghiên cứu chỉnh sửa luật, hay thế nào chứ ra quyết định không thi hành được thì luật pháp không nghiêm”, bị cáo Thanh nói.

Ðề nghị phạt tù

Tại tòa, ông Đinh La Thăng nhiều lần phản bác cáo trạng và cho rằng trách nhiệm nếu có phải thuộc về chủ đầu tư, tức PVB. Theo ông này, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đặc thù, trong đó vốn đầu tư của PVN chiếm trên 50%. Bị cáo cũng lý giải việc này là nhằm phát huy nội lực của ngành dầu khí bởi các cơ quan ở trung ương xác định trữ lượng dầu của Việt Nam có hạn nên ra chủ trương phải tăng doanh thu dịch vụ dầu khí lên 20 - 25%. Trước cáo buộc can thiệp để chỉ định thầu cho PVC, ông Đinh La Thăng nói: “Tôi phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng vì không phù hợp thực tiễn, không phù hợp chứng cứ khách quan”.

Kiểm sát viên xác định, ông Đinh La Thăng là người đứng đầu, vừa đề ra chủ trương lại chỉ đạo cấp dưới thực hiện nên cần có mức hình phạt nghiêm, tương xứng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò đồng phạm tích cực trong vụ việc tại Ethanol Phú Thọ nhưng là chủ mưu trong thương vụ mua bán đất tại Tam Đảo. Vì vậy, kiểm sát viên đề nghị phạt ông Thăng 12 - 13 năm tù và cộng án 30 năm tù trong 3 vụ án trước đó bằng 30 năm tù; Trịnh Xuân Thanh 21 - 23 năm tù, cộng án chung thân trong các vụ trước bằng án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị từ 30 tháng tù đến 8 năm tù.