Vụ Ethanol Phú Thọ: 'Làm sai ý cấp trên đồng nghĩa xin nghỉ việc'

0:00 / 0:00
0:00
Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa.
Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm tại tòa.
TPO - Bị cáo thừa nhận việc chỉ định thầu cho doanh nghiệp của Trịnh Xuân Thanh có thiếu sót nhưng phải làm theo chỉ đạo và nếu không sẽ đồng nghĩa với xin nghỉ việc.

Ngày 8/3, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử 12 bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

Theo cáo trạng, năm 2007, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thành lập Cty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và cho mời thầu xây dựng nhà máy bằng hình thức “chìa khóa trao tay”.

Thấy vậy, PVC thành lập liên danh đấu thầu xây dựng dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch PVC liên tục đề nghị giảm yêu cầu với nhà thầu và sau đó xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định.

Ông Đinh La Thăng – Chủ tịch PVN cũng tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu một cách trái pháp luật. Liên danh của PVC sau đó được thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.

Trong phần xét hỏi, tòa án đã yêu cầu cách ly bị cáo Đinh La Thăng để thẩm vấn các bị cáo còn lại.

Vụ Ethanol Phú Thọ: 'Làm sai ý cấp trên đồng nghĩa xin nghỉ việc' ảnh 1

Bị cáo Vũ Thanh Hà - nguyên Tổng GĐ PVB.

Khai báo trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà - Tổng giám đốc PVB cho biết dự án Ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 1.317 tỷ đồng trong đó vốn tự có 30% và 70% phải đi vay. PVB lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức chìa khóa trao tay nhưng khi chấm thầu đã thấy các doanh nghiệp dự thầu đều không đạt tiêu chí theo yêu cầu.

Bị cáo Hà khai, trong giai đoạn này, PVB đã nhận được văn bản của Tổng giám đốc PVC (là thành viên thuộc PVN) đề nghị hạ thấp tiêu chí đầu thầu và cho được chỉ định thầu. Sau đó, PVB còn nhận được nhiều văn bản của PVN chỉ đạo phải giao thầu cho liên danh của PVC.

“Ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo giao cho PVC và cho liên danh. Bị cáo đã tiếp cận nghị quyết của PVN ưu tiên giao việc cho PVC và lúc đó bị cáo nghĩ rằng chỉ định thầu cho PVC là trách nhiệm” – Vũ Thanh Hà khai.

Cũng tiến hành khai báo, bị cáo Lê Thành Thái - Trưởng phòng kinh doanh PVB, thành viên tổ thẩm định cho biết thời điểm đó, PVB chỉ định thầu cho liên danh của PVC vì nghĩ PVC chỉ xây dựng các công trình phụ trợ, cấp thoát nước; các hạng mục quan trọng sẽ do nhà thầu nước ngoài trong liên danh phụ trách.

Bị cáo Thái khẳng định đến năm 2013 mới biết liên danh các nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực. Ngoài ra, việc thẩm định hồ sơ thầu của PVC có thiếu sót nhưng bị cáo này lý giải: “Chúng tôi không thể chống lại chủ trương của Tập đoàn PVN, tôi mà nêu vào là xin nghỉ việc luôn. Nếu quá trình thẩm định mà tôi nêu ra yêu cầu bổ sung đồng nghĩa nghỉ việc luôn”.

MỚI - NÓNG