Thi vẫn “ba chung” nhưng “ba chung” của năm nay có gì khác biệt, thưa ông?
Các thí sinh có nhiều nguyện vọng (NV) và được kéo dài thời gian xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ được chủ động xét tuyển cho đến hết chỉ tiêu, không hạn chế số đợt tuyển.
Các học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các ngành học phù hợp với các môn đạt giải. Các thí sinh thuộc diện nghèo theo nghị quyết của Chính phủ được tuyển thẳng không phải thi mà chỉ học 1 năm để nâng cao kiến thức.
Lợi ích của những thay đổi kể trên là gì?
Thí sinh đạt trên điểm sàn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ. Nếu NV 1,2,3 không được, các em còn nhiều nguyện vọng khác. Vì vậy, thí sinh phải thường xuyên theo dõi trang web của các trường và của Bộ, các phương tiện thông tin để biết các trường tuyển sinh thời gian nào, điều kiện tuyển sinh ra sao để nộp hồ sơ cho phù hợp.
Không ít ý kiến cho rằng, phương án tuyển mới sẽ gây khó cho quá trình đào tạo của các trường nên có thể các trường sẽ “đánh nhanh thắng nhanh” và các thí sinh rốt cuộc sẽ không được lợi gì nhiều?
Các trường tốp đầu chắc sẽ sớm hoàn tất tuyển sinh. Các trường tốp sau lần lượt tuyển nhiều đợt để thí sinh có thêm cơ hội học tập.
Tuy nhiên, ở các đợt xét tuyển tiếp theo, các trường phải thông báo công khai thời gian xét tuyển và điều kiện xét tuyển chứ không kéo dài quá trình tuyển sinh. Ví dụ: một đợt tuyển mới kéo dài từ ngày nào đến ngày nào, điều kiện là gì… Sau đó phải chốt danh sách đợt đó và công khai cho thí sinh biết trước khi tuyển đợt mới.
Nếu thí sinh theo dõi quá trình xét tuyển và rút hồ sơ thì có được nhận lại lệ phí xét tuyển hay không?
Tùy hiệu trưởng các trường quy định theo mức độ phức tạp của việc xử lý hồ sơ của trường đó.
Điểm sàn luôn là mối quan tâm hàng đầu không những chỉ của thí sinh mà còn của nhiều trường. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về đề thi gần đây nhất, ông có nói về phổ điểm trung bình (đồ thị chỉ số thí sinh đạt điểm 4-5-6) sẽ rộng nhất. Dư luận cho rằng, như thế có thể dự báo là điểm sàn năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước chứ không thấp hơn. Ông có giải thích gì không?
Như tôi đã nói là cố gắng định hướng đề thi để học sinh có học lực trung bình cũng làm được bài, thí sinh khá thì làm tốt hơn và thí sinh xuất sắc thì có câu rất khó để đạt điểm. Điểm sàn có bằng hay cao hơn năm trước phải phụ thuộc chất lượng thí sinh.
Thời điểm các trường công bố điểm và thời điểm Bộ công bố điểm sàn là khi nào?
Khi chấm xong bài thi các trường sẽ công bố điểm luôn (trên trang web của trường) và nộp kết quả về Bộ. Ngày 8-8, Hội đồng điểm sàn (ĐS) quốc gia sẽ họp và công bố ĐS.
Sau khi Bộ công bố ĐS, các trường phải công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển). Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 30-11 hằng năm.
Sau vụ việc ở THPT Đồi Ngô, danh mục những thứ thí sinh có thể mang vào phòng thi có được bổ sung gì không?
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản.
Thí sinh không được mang vào khu vực thi và phòng thi: giấy than, bút xóa, các tài liệu, vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi và các vật dụng khác; thí sinh không được hút thuốc trong phòng thi. Nếu vi phạm thí sinh sẽ bị kỷ luật theo Quy chế tuyển sinh.
Thí sinh thuộc 62 huyện nghèo được tuyển thẳng theo quy định
Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường ĐH xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức.
Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Đây là điểm mới nhất vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố trong Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012.
Hồ Thu