Xe ba gác vẫn tung hoành

TP - Các loại xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế bị cấm lưu thông trên toàn quốc kể từ ngày 1-1-2010. Lệnh cấm đã có hiệu lực gần 2 năm song các loại phương tiện trên vẫn tung hoành trên nhiều tuyến đường và là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM, bởi gần đây các loại xe này gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Vô tư lọt chốt cảnh sát giao thông
> Chuyện xe ba gác

Cấm vẫn chạy

Không chỉ hoạt động ở ngoại thành, vùng ven, xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế xuất hiện nhan nhản trên hầu hết các tuyến đường nội ô, khu vực trung tâm thành phố và chở cồng kềnh hơn trước.

Chiều 20-9, chỉ trong vòng chưa đầy một giờ, chúng tôi đếm được hơn 50 xe ba gác máy chở hàng cồng kềnh ngang nhiên lưu thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), bất chấp sự có mặt của hai chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT). Hầu hết số xe “lụi” nói trên không gắn biển số, rách nát, máy nổ inh tai nhức óc và xả khói đen.

Trên Quốc lộ 13, 22, xa lộ Hà Nội và các tuyến đường Trường Chinh, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Hai Bà Trưng, Cánh Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần (quận 3), xe ba gác vô tư vào ra các cảng, kho hàng, cửa hàng, công trường xây dựng, nhà dân để giao nhận hàng, không còn lén lút, né tránh cơ quan chức năng như những ngày lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.

Không chỉ xe ba gác, các xe thô sơ thu gom rác, xe đẩy tay cũng hoạt động trong cả giờ cao điểm tại khu vực trung tâm song rất hiếm khi thấy cơ quan chức năng xử lý.

Anh Hoàng chạy ba gác chở vật liệu xây dựng trên đường Phan Đình Phùng cho biết, nhiều lần bị CSGT tuýt còi song chưa lần nào bị tịch thu xe. “Thấy tui nghèo, mấy ổng không nỡ lấy xe, chỉ nhắc nhở qua loa, yêu cầu mua xe mới rồi cho… chạy tiếp” - anh Hoàng nói.

Phải thu 24.000 xe thô sơ

Theo Sở LĐ-TB&XH, TPHCM phải thu hồi hơn 24.000 xe 3, 4 bánh thô sơ, tự chế và trích ngân sách hỗ trợ người dân chuyển nghề hơn 120 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều người sau khi nhận tiền hỗ trợ không tìm được kế sinh nhai khác nên phải quay lại nghề cũ. Ông Huỳnh Văn Ngôn chở hàng trên đường Lạc Long Quân (quận 11) kể: “Nghe tổ dân phố thông báo, tôi mang xe lên phường nộp và nhận được 7 triệu đồng. Tiền hỗ trợ không đủ mua xe mới, vay nóng thì lo nợ ngập đầu nên vợ chồng tôi đành mua chiếc ba gác cà tàng, tân trang lại rồi tiếp tục nghề cũ”.

Sau khi nhận tiền hỗ trợ, nhiều người cho biết, đã cố gắng học nghề, mua xe máy chạy xe ôm nhưng do tuổi cao, khả năng tiếp thu chậm, thu nhập thấp hơn trước, không đủ trang trải cuộc sống … nên đánh liều mua xe ba gác chạy tiếp.

“Tôi cũng sợ bị phạt, tịch thu xe nhưng với số tiền hỗ trợ ít ỏi thì biết làm gì đây. Cả đời chạy ba gác, quen rồi, lớn tuổi kiếm công việc khác rất khó khăn” – ông Bảy chạy ba gác tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn nói

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức, rất nhiều người đã giao xe, nhận tiền hỗ trợ nhưng sau đó mua xe ba gác hoạt động trở lại. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước khi triển khai lệnh cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế, UBND TPHCM đã “đặt hàng” Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) và Tổng Công ty Cơ khí Sài Gòn (Samco) chế tạo xe chuyển đổi. Samco đã lập đề án sản xuất, lắp ráp nhưng đến nay chưa thực hiện được vì vấn đề kinh phí. Dù Ủy ban MTTQVN TPHCM đã nhiều lần có công văn đề nghị công bố bộ tiêu chuẩn về kỹ thuật, kích cỡ, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị…song Sở Giao thông Vận tải vẫn chưa đáp ứng. Do đó, ngoài chiếc xe 3 bánh do Trung Quốc sản xuất (giá thành khá đắt), đến nay chưa có xe nào đủ chuẩn thay thế xe ba gác.

“Hầu hết những người điều khiển phương tiện này quá nghèo, phạt họ cũng không có tiền đóng mà nếu có giam xe thì chỗ đâu mà chứa cho xuể” - một CSGT trực chốt tại ngã tư Phú Nhuận lắc đầu.

Theo số liệu của Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt Công an TPHCM, đến nay, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý hơn 6.000 trường hợp xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh vi phạm, tạm giữ hơn 5.000 phương tiện các loại.

Xe ba gác gây TNGT

- Trưa 22-9, xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh va chạm với một xe máy lưu thông trên cầu Nguyễn Tri Phương theo hướng từ quận 5 về quận 8 khiến 2 phụ nữ trên xe máy ngã xuống đường và bị xe buýt chạy phía sau cán trọng thương.

- Chiều 7-8, trước số nhà 763 đường Trường Chinh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), xe ba gác máy va chạm với xe máy biển số 54L5-5102 khiến người đi xe máy té ngã bị thương rất nặng.

Theo Báo giấy