Xây cả kho hàng sát biên giới để buôn lậu

TPO - Theo Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng đang diễn ra phức tạp. 

Các mặt hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ... Các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã, sản phẩm làm từ động vật hoang dã... nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết nguyên đán.

Đặc biệt, hiện hàng hóa vi phạm không chỉ được sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau như nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại...

Ông Phan Quốc Đông - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - cho biết, ở tuyến biên giới phía Bắc và khu vực đối diện các cửa khẩu của Việt Nam, phía Trung Quốc đang đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, kho chứa hàng hóa có quy mô lớn với chủ trương hoạt động khuyến mại, giảm giá hàng hóa để khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh... Do đó, nhiều đối tượng đang lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại, đường biên giới để thực hiện các hành vi vi phạm mua gom, mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trục lợi…

Lực lượng Hải quan kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ảnh minh họa.

Tuyến biên giới miền Trung (tiếp giáp với Lào), hoạt động vi phạm chủ yếu là mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, động vật hoang dã, xăng dầu lậu, vận chuyển trái phép đường cát, rượu, bia, nước giải khát, hàng điện tử, các chất ma tuý.

Tuyến biên giới đất liền phía Nam (tiếp giáp với Campuchia), các đối tượng đang cho xây dựng các địa điểm tập kết hàng lậu ở bên kia biên giới, lợi dụng sự sơ hở, lơ là của các lực lượng chức năng tại một số thời điểm để vận chuyển hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Các mặt hàng thẩm lậu qua biên giới như pháo nổ, thuốc lá điếu, đường kính, tiền, vàng, ngoại tệ, hàng dân dụng, điện tử, điện lạnh, tân dược, mỹ phẩm...

Trong khi đó, tại các cảng biển như Hải Phòng, cảng Cát Lái (TPHCM), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), lợi dụng hình thức quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh… các đối tượng đưa hàng hóa vi phạm với số lượng vào Việt Nam tiêu thụ. Tuyến biển miền Trung thời gian gần đây còn nổi lên hiện tượng ma tuý gắn định vị trôi dạt trên biển.

Ở các sân bay quốc tế như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hoà), dân buôn lậu tập trung vào các mặt hàng vi phạm gọn nhẹ dễ vận chuyển, có giá trị cao như: tiền, ngoại tệ, vàng, kim cương, thuốc lá, xì gà, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử, điện lạnh, tiền chất, ma tuý, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng tiêu dùng khác...

Đặc biệt, theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian gần đây nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, và hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đang sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…Số vụ vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện liên tục được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay, trước tình hình phức tạp này, Tổng cục Hải quan vừa ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.