Những thảo luận hậu trường này không đặt ra hạn chế địa lý rõ ràng đối với việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận giúp hai bên đạt được hiểu biết chung về nguy cơ leo thang, ba quan chức và một nguồn tin ngoại giao tiết lộ.
“Chúng tôi quan ngại về nguy cơ leo thang và chưa muốn đặt giới hạn địa lý hoặc trói tay họ quá nhiều với những thứ cung cấp cho họ”, một quan chức giấu tên nói với Reuters.
Chính quyền Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, trong đó có lựu pháo M777, khi Kiev đang chống trả chiến dịch quân sự của Nga hiệu quả hơn so với dự đoán ban đầu của tình báo Mỹ. Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa diệt hạm Harpoon cho Ukraine. Vũ khí này sẽ mở rộng phạm vi tấn công của Kiev.
Dù ban đầu dự đoán rằng Ukraine sẽ bị lấn át bởi quân đội Nga lớn hơn và được trang bị tốt hơn, giới chức Mỹ gần đây bày tỏ hy vọng quân Ukraine có thể chiến thắng, và muốn vũ trang cho họ để đạt được mục tiêu này.
Các quan chức Mỹ nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden thậm chí đang tính chuyện cung cấp cho Kiev hệ thống pháo di động M142, có tầm bắn lên đến hàng trăm kilomet.
Tuy nhiên, tình báo Mỹ cũng cảnh báo rủi ro leo thang. Những tháng tiếp theo sẽ chứng kiến cuộc xung đột đi theo “quỹ đạo khó đoán hơn và có nguy cơ leo thang hơn”, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nói trong phiên điều trần của Thượng viện Mỹ trong tháng này.
Mỹ không trực tiếp tham chiến, nhưng các chỉ huy của Lầu Năm Góc trao đổi thường xuyên với lãnh đạo Ukraine và cung cấp thông tin tình báo quan trọng để giúp Ukraine tấn công lực lượng của Nga trên bộ và trên biển, giới chức Mỹ cho biết.
Một quan chức giấu tên khác của Mỹ cho biết Washington và Kiev “chia sẻ hiểu biết chung” về việc sử dụng một số hệ thống vũ khí nhất định của phương Tây.
“Cho đến nay, chúng tôi đang có chung quan điểm về các ngưỡng”, vị quan chức tiết lộ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí có thể tấn công vào đất của Nga sẽ là “bước đi nghiêm trọng dẫn đến leo thang không thể chấp nhận được”. Tuyên bố này được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/5.
Douglas Lute, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, đồng ý rằng Ukraine có đủ mục tiêu ở trong nước để quan tâm. Nhưng ông thừa nhận có nguy cơ leo thang và chia rẽ chính trị trong NATO về việc Ukraine có nên tấn công vào trong đất Nga hay không.
“Điều đó sẽ gây ra tranh cãi trong nội bộ liên minh. Và tất nhiên, liên minh không muốn điều đó. Ukraine cũng không”, ông Lute nói.
Một câu hỏi khác là liệu Ukraine có thể đổi chiến lược nếu cuộc xung đột rẽ sang hướng tệ hơn hay không, từ đó có khả năng sử dụng những vũ khí mà Mỹ cung cấp theo hướng nằm ngoài dự tính ban đầu.
“Có kịch bản Ukraine bị dồn vào chân tường, khiến họ cảm thấy cần phải leo thang hơn nữa, nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó”, một quan chức Mỹ nói.