Ông Kevin Moore - Giám đốc điều hành của Công ty VWS cho rằng trong năm 2014 TPHCM yêu cầu công ty VWS tiếp nhận thêm một lượng rác chuyển từ các nơi khác đến nên tăng công suất xử lý từ 3 nghìn tấn lên 5 nghìn tấn/ngày. “Ngay khi nhận được yêu cầu này chúng tôi đã lập tức chuẩn trị trang thiết bị, nhân sự đảm bảo xử lý khối lượng rác tăng thêm này” - ông Kevin nói. Theo người này trong quá trình hoạt động của công ty, có những thông tin trên phương tiện truyền thông về công ty không đúng sự thật, tạo hình ảnh không tốt với công ty. Ông Kevin Moore nói: “Chúng tôi không xem đây là vấn đề quan trọng, bởi tùy theo cách nhìn của mỗi người. Nhưng với những thông tin sai sự thật này, khi lan truyền đến Mỹ sẽ ảnh hưởng đến công ty mẹ của chúng tôi ở bên đó, làm ảnh hưởng đến uy tín công ty với cộng đồng khi chúng tôi vừa trúng thầu hợp đồng xử lý rác với các thành phố bên Mỹ hàng tỷ USD”.
Một vướng mắc nữa mà theo người đại diện của VWS là vấn đề thuế giá trị gia tăng. Công ty VWS trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng và theo ông Kevin Moore đến thời điểm này, số tiền đã đóng hơn 1 triệu USD nhưng trong 9 tháng qua VWS chưa được hoàn thuế, mặc dù đã có công văn gửi Sở Tài chính và các đơn vị liên quan. Ông cũng cho rằng: “Khi TPHCM giao thêm lượng rác mới, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước phải phục vụ nhiều hơn, như vậy sẽ làm cho vòng đời phát triển dự án ở đây ngắn lại. Vì vậy, chúng tôi đã có phương án phát triển Khu công nghệ môi trường Xanh ở Long An. Dự án này chúng tôi đã khởi động vào cuối năm 2014 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn nửa tỷ USD. Tuy nhiên, nếu những khó khăn trước mắt không được tháo gỡ, chắc chắn sẽ làm quan ngại đến các nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến việc kêu gọi cũng như là dồn sức đầu tư các dự án khác”.
Nói về giá xử lý rác của VWS hiện nay, đại diện của VWS cho biết đây là giá đã được tổ đàm phán liên ngành gồm tất cả các ban ngành chức năng của Thành phố thương thảo, đàm phán với VWS trước khi dự án chính thức được thực hiện. Đây là dự án được đầu tư 100% bằng nguồn vốn của doanh nghiệp nước ngoài nên không thể so sánh giá nơi này với nơi khác với công nghệ khác nhau được. Hơn nữa, đơn giá xử lý rác còn căn cứ trên quy mô đầu tư kỹ thuật khác nhau, công nghệ vận hành và xử lý khác nhau, tiêu chuẩn bảo đảm về mặt môi trường của mỗi dự án khác nhau nên giá thành xử lý rác sẽ phải có sự chênh lệch khác nhau.
Đơn giá xử lý rác đã được VWS giải trình rất nhiều lần, nhưng mỗi lần Thành phố có thay đổi lãnh đạo và lại có thắc mắc thì VWS lại có nhiệm vụ phải giải trình. Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là một dự án lâu dài, thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm mà nhà đầu tư cứ phải giải trình hoài như vậy thì rất mệt mỏi, trong khi ở nước ngoài người ta chỉ cần căn cứ theo các nội dung của hợp đồng đã thỏa thuận và ký kết để thực hiện, chứ không bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc vào sự thay đổi của bất kỳ nhiệm kỳ lãnh đạo nào.