Vượt lên nghịch cảnh

TP - Trong số những sinh viên được trao học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2022, có nhiều em đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực học tập để thực hiện hóa ước mơ.

Mùa tuyển sinh 2022, nữ sinh Phạm Thị Thương (quê Quảng Ninh) đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học (ĐH) Hà Nội. Không được may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, ngay từ khi sinh ra, Thương đã bị khiếm thị bẩm sinh.

Nguyễn Xuân Bách (hàng sau, đứng giữa) và các bạn

Thương chia sẻ, bố mẹ mong muốn mang ánh sáng đến cho em nên không ngại khó, ngại khổ, đã đưa em đi chữa trị khắp nơi. Thương được bác sĩ chẩn đoán sẹo giác mạc và em đã được ghép giác mạc một lần. Nhưng đôi mắt em không đạt được sự tiến triển như kỳ vọng, chỉ có thể nhận biết được chút ánh sáng nhỏ nhoi. Công cuộc điều trị mắt cho Thương của bố mẹ kéo dài suốt 3 năm và cuối cùng đành bỏ cuộc.

Nguyễn Thị Nhung (bên trái) và bạn

Càng lớn, Thương càng khao khát được đến trường nhưng mỗi lần em hỏi, bố mẹ đều né tránh trả lời. Cho đến khi các bạn cùng tuổi học lớp 4, một người bác thông báo em có thể học tại trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Tại ngôi trường này, Thương đã tìm thấy đam mê với ngoại ngữ. Qua quá trình tiếp xúc với các tình nguyện viên nước ngoài, cũng như tự học ở các chương trình dạy ngoại ngữ trên sóng FM, Thương có thể nghe nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.

Với niềm đam mê ngoại ngữ, Thương đoạt giải Ba cuộc thi hát tiếng Anh cấp thành phố cho học sinh THCS năm 2018; nhận học bổng của Trung tâm tiếng Nhật Riki Nihongo cho hai trình độ N4, N3 năm 2019. Thương là một trong ba đại diện của Việt Nam tham gia cuộc thi đọc viết chữ nổi tiếng Anh dành cho học sinh khiếm thị khu vực ASEAN tại Thái Lan. “Từ năm 13 tuổi, em đã có ước mơ được đặt chân đến Nhật Bản học tập. Bên cạnh những ước muốn cho bản thân, em cũng mong được cổng hiến cho xã hội”, Thương chia sẻ.

Nguyễn Xuân Bách (quê Thạch Thất, Hà Nội), thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng có một hoàn cảnh rất đặc biệt. Từ năm lớp 4, em được chẩn đoán mắc bệnh động kinh. Những cơn co giật thi thoảng lại đến, khi thì chỉ vài giây nhưng có lúc kéo dài đến vài phút. “Những lúc như vậy, tâm trí em như “đăng xuất” khỏi cơ thể, mọi thứ chỉ còn lại một khoảng trống vô tận”, Bách chia sẻ.

Bách có khoảng thời gian khá tồi tệ, rất dễ bị kích động, dẫn đến nhiều lần gây gổ, đánh nhau với bạn. Cậu tự nhận bản thân rất lười học trong suốt những năm học phổ thông. Do nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn mà Bách đã “sáng mắt, sáng lòng” , nhìn nhận lại bản thân. “Khi đó em mới thấy có nhiều lý do, động lực để học. Em học vì hai anh trai, những người học rất giỏi nhưng đã từ bỏ giấc mơ học đại học để đi theo nghiệp sĩ quan vì không có điều kiện. Học vì muốn xây dựng đất nước thay vì bảo vệ đất nước như hai anh trai”, Bách chia sẻ.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bách đạt 27,1 điểm/tổ hợp 3 môn, trở thành một trong 3 thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Ước mơ của Bách khi ra trường là được xây dựng những công trình lớn và để lại dấu ấn của bản thân trên mọi miền Tổ quốc.

Nguyễn Thị Nhung (quê Thanh Hóa) là thủ khoa ngành Kinh tế đầu tư của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Bố mất khi Nhung mới được 4 tháng tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi hai anh em Nhung ăn học. Từ nhỏ hai anh em Nhung được gửi về ngoại chăm sóc, còn mẹ đi bán hàng rong trên phố để có thu nhập gửi về nuôi hai anh em. Không phụ lòng mẹ và ngoại, Nhung luôn nỗ lực học tập. Sau này lớn hơn, Nhung được mẹ đón lên ở cùng. Buổi sáng trước khi đi học, buổi chiều sau khi tan học, Nhung thường phụ mẹ dọn hàng và chở hàng về nhà.

Hoàn cảnh khó khăn, Nhung đã từng muốn bỏ học để giảm gánh nặng kinh tế và có thời gian chăm sóc mẹ hơn. Được mẹ động viên và Nung nhận ra học là con đường thoát nghèo nhanh nhất.