Vụ phóng viên lừa tiền tỷ chạy việc cho người nghèo: Bẻ cong sự thật?

TP - Mới đây, Công an tỉnh Quảng Bình ra thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm trong vụ ông Lê Cảnh Hoa (Báo Pháp luật và Xã Hội) được cho là lừa tiền tỷ chạy việc của nhiều người nghèo.
Ngôi nhà rách nát của chị Ðào không có tiền sửa chữa

Thông báo này cho rằng, ông Hoa không phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mà lỗi thuộc về các nạn nhân, đẩy họ vào bờ vực lao lý.

Một sự việc hai bản thông báo?

Sau Tết Nguyên đán các nạn nhân của ông Lê Cảnh Hoa trong vụ lừa tiền chạy việc lần lượt nhận được Thông báo số 10, do Thượng tá Trần Chiến Lũy, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình ký ngày 25/1/2019, về  “kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm”.

Thông báo này không nêu lí do không khởi tố vụ án mà chỉ vỏn vẹn mấy câu như sau: Trong các năm 2014 và 2015, ông Lê Cảnh Hoa - Phóng viên báo Pháp luật và Xã hội thông qua một số người quen đã nhận tiền và trực tiếp nhận tiền của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với mục đích tìm việc, giới thiệu, xin việc làm cho họ hoặc người thân của họ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm nêu trên. Căn cứ các điều 56,145 và 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình kết thúc kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 02/QĐ-PC01, ngày 25/1/2019 đối với nguồn tin nêu trên.

Nơi nhận thông báo này được ghi rõ: Viện KSND tỉnh Quảng Bình, Sở TT&TT tỉnh Quảng Bình, Tòa soạn báo Pháp luật và Xã hội, nguyên đơn, ông Lê Cảnh Hoa và lưu hồ sơ.

Ngày 12/2, báo Pháp luật và Xã hội đăng bài “Cơ quan điều tra kết luận, không có dấu hiệu hình sự”, lại dẫn nguồn tin từ một thông báo khác, có số 129, ngày 28/1/2019, của Cơ quan CSĐT Công an Quảng Bình, cũng do Thượng tá Trần Chiến Lũy ký.

Thông báo này cho rằng: Trong các năm 2014 -2015 có nhiều người dân ở tỉnh Quảng Bình đã chủ động làm quen, gặp gỡ để nhờ ông Lê Cảnh Hoa tìm, giới thiệu, xin việc làm phù hợp với bằng cấp chuyên môn của họ và đồng thời chủ động đưa tiền bồi dưỡng cho ông Lê Cảnh Hoa để giao dịch, quan hệ.

Trong việc này, ông Lê Cảnh Hoa không có lời nói, hành động hoặc thủ đoạn gian dối nhằm tạo ra sự tin tưởng cho người khác để họ đưa tài sản rồi chiếm đoạt. Khi không giới thiệu được hoặc không xin được việc làm cho họ, ông Lê Cảnh Hoa đã trả lại đầy đủ số tiền đã nhận. Hiện tại không có người nào yêu cầu, đề nghị ông Lê Cảnh Hoa trả tiền hoặc có yêu cầu gì khác. Hành vi của ông Lê Cảnh Hoa không cấu thành tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 Trong khi ông Lê Cảnh Hoa có cuộc sống sung túc

Nói về hai thông báo cùng một vụ việc nhưng lại có nội dung khác nhau, Thượng tá Trần Chiến Lũy cho rằng: Thông báo trước là theo mẫu quy định của ngành công an, còn thông báo sau là dạng công văn. Bởi vì trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình có công văn hỏi Báo Pháp luật và Xã hội về nhân thân ông Lê Cảnh Hoa, nên phải gửi riêng cho họ một thông báo, giải thích cặn kẽ hơn!

Trong lúc đó, các nạn nhân của ông Lê Cảnh Hoa cho rằng, đối tượng cần được giải thích cặn kẽ hơn là họ chứ không phải ai khác. Bởi họ là nạn nhân, là người tố cáo thì phải được biết nguyên nhân vì sao không khởi tố ông Lê Cảnh Hoa.

Ðẩy các nạn nhân vào vòng lao lý?

Như Tiền Phong đã thông tin, theo đơn tố cáo của các nạn nhân: Trong năm 2014 -2015, lợi dụng sự quen biết, ông Lê Cảnh Hoa đã quảng cáo là mình có thể xin được việc cho nhiều người. Tin vào lời ông Hoa và tin vào cái mác phóng viên của một tờ báo pháp luật, nhiều người dân ở Quảng Bình đã đưa tiền cho ông Hoa nhờ xin việc, người ít nhất 60 triệu đồng, người nhiều nhất 350 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó cho đến khi các nạn nhân viết đơn tố cáo (tháng 10/2018) và báo chí phản ánh, ông Lê Cảnh Hoa mới cuống cuồng trả lại tiền cho các nạn nhân. Trong đó có nhiều lần ông Hoa trả lại tiền cho nạn nhân tại trụ sở công an, có sự chứng kiến của điều tra viên.

Ông Đinh Minh Đấu (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), một nạn nhân của Lê Cảnh Hoa đã rất bất ngờ khi chúng tôi cho xem bản thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình gửi cho  báo Pháp luật và Xã hội. Ông Đấu cho rằng, bản thông báo này hoàn toàn sai bản chất vụ việc, khi nói các nạn nhân chủ động đưa tiền cho ông Hoa và ông Hoa đã chủ động trả lại tiền khi không xin được việc.

Cũng như ông Đấu, chị Đinh Thị Thanh Đào ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa biết Lê Cảnh Hoa qua một người quen và nhờ xin việc. Ông Hoa ra giá 200 triệu để xin đi dạy ở huyện nhà. Lần đầu chị Đào đưa cho ông Hoa 50 triệu. Khoảng 1 tuần sau, ông Hoa gọi điện yêu cầu đưa thêm 150 triệu nữa là sau 2 ngày sẽ có quyết định đi làm. “Lúc đó, tôi nói với anh Hoa: Giờ vài triệu em cũng không có chứ lấy đâu ra 150 triệu hả anh? Anh Hoa nói lại, “Nếu em không giao đủ 150 triệu trong chiều nay thì công việc không có mà cả 50 triệu của em cũng mất luôn”. Tôi hoảng quá, phải nhờ bên nội, bên ngoại đi vay nóng để đủ số tiền giao cho anh Hoa” - chị Đào kể.

Theo chị Đào, từ khi lấy được 200 triệu của chị Đào, ông Hoa “bặt vô âm tín” không hồi âm. Công việc thì không có, tiền lãi cao hàng tháng không có trả, con bị bệnh máu trắng, chị Đào thường xuyên bị chồng đánh đập thâm tím mặt mày. Mỗi lần con đi viện, chị Đào phải gọi điện cầu xin ông Hoa, thì ông Hoa mới gửi trả lắt nhắt được vài chục triệu. Gọi mãi, ông Hoa dọa sẽ đưa xã hội đen lên xử lý chị Đào. Chỉ đến khi chị Đào viết đơn tố cáo, ông Hoa mới trả lại đủ số tiền đã nhận.

Chị Đào cho biết, chị đã mất hết cơ hội việc làm, gia đình tan nát cũng chỉ vì cả tin ông Lê Cảnh Hoa. Chị sẽ đi đến tận cùng sự việc, dù có phải ra đến Bộ Công an.

Một kiểm sát viên giấu tên cho biết: Theo như đơn tố cáo thì ông Lê Cảnh Hoa đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nằm ở khung đặc biệt nghiêm trọng khi lừa nhiều người với số tiền lớn. Còn việc ông Hoa trả lại tiền khi các nạn nhân viết đơn tố cáo chỉ là khắc phục hậu quả, được xem xét giảm nhẹ mức án mà thôi.

Cũng theo vị kiểm sát viên này, nếu căn cứ theo thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình gửi báo Pháp luật và Xã hội, ông Lê Cảnh Hoa có quyền kiện các nạn nhân về tội Vu khống và nguy cơ họ lâm vào đường lao lý là rất cao.  

Một kiểm sát viên giấu tên cho biết: Theo như đơn tố cáo thì ông Lê Cảnh Hoa đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nằm ở khung đặc biệt nghiêm trọng khi lừa nhiều người với số tiền lớn. Còn việc ông Hoa trả lại tiền khi các nạn nhân viết đơn tố cáo chỉ là khắc phục hậu quả, được xem xét giảm nhẹ mức án mà thôi.