Vụ nước sông Đà nhiễm bẩn: Bao giờ người dân được đền bù thiệt hại?

TP - Hai ngày qua, một số khu chung cư, hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Ðông… đã nhận được thông báo tiền nước tháng 10/2019. Nhiều người dân cho rằng, họ sẽ không thanh toán số tiền này bởi không được cung cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn và còn bị cắt nước trong nhiều ngày.
Người dân thau bể ngầm sau sự cố nước sông Ðà. Ảnh: Trần Hoàng

Tại các khu chung cư bắt đầu có thông báo về tiền nước tháng 10/2019. Trên một số diễn đàn chung cư, nhiều người dân bày tỏ ý định sẽ không đóng tiền nước để chờ hỗ trợ, hay một hành động nào đó có trách nhiệm từ đơn vị bán nước. “Tôi cùng nhiều người dân sẽ không đóng tiền nước, họ phải có trách nhiệm với sản phẩm cung cấp cho người dân”, anh Như Ý (ở quận Thanh Xuân) nói.

Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, người dân chung cư ông đang ở trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông) đang rất bức xúc vì sử dụng nước nhiễm dầu và bị cắt nước nhiều ngày. LS Bình cho biết, theo Nghị định 117/2007 của Chính phủ quy định về Hợp đồng dịch vụ cấp nước, trong đó có quy định đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ không đúng với các điều khoản ghi trong hợp đồng.

Khiếu nại của khách hàng sử dụng nước phải được gửi cho đơn vị cấp nước trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện sai sót. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng sử dụng nước.

Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, khách hàng sử dụng nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. “Trong thời gian chờ giải quyết, khách hàng sử dụng nước vẫn phải thanh toán tiền nước và đơn vị cấp nước không được ngừng dịch vụ cấp nước”, LS Bình nêu.

Phải hỗ trợ người dân

Đại diện Cty CP Viwaco (đơn vị bán lẻ nước sạch) cho biết, Cty đang chốt các chỉ số nước, kiểm đếm lượng nước phải bơm ra ngoài tại các chung cư để tính lượng nước thất thoát, thiệt hại với đơn vị sản xuất là Viwasupco. Đối với khách hàng cá nhân sẽ khó khăn hơn, dự kiến sẽ được tính toán dựa trên lượng nước tiêu thụ tháng liền kề. “Tuy nhiên, hiện Viwasupco vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề bồi thường thiệt hại. Chúng tôi đang chờ UBND thành phố, Sở Xây dựng chỉ đạo về việc này”, đại diện Viwaco nói.

Về hóa đơn tiền nước tháng 10/2019, vị đại diện thông tin: “Hóa đơn nước tháng 10 thực tế là lượng nước khách hàng sử dụng trong tháng 9 nên không liên quan gì đến vụ việc nước nhiễm dầu mới xảy ra từ 9/10”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Chắc chắn phía Viwasupco phải có trách nhiệm hỗ trợ cho người dân”. Không chỉ hỗ trợ tiền nước, Viwasupco còn chi trả toàn bộ tiền súc rửa bể nước các khu chung cư. Tuy vậy, việc xác định thiệt hại không đơn giản, cơ quan chức năng đang chờ các Cty bán lẻ thống nhất số lượng nước thất thoát với Viwasupco rồi sẽ có chỉ đạo tiếp theo.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Viwasupco vừa được phát hành cho thấy 9 tháng đầu năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 21% lên 402 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt tới 199 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Viwasupco vẫn chưa có thông báo về việc đền bù thiệt hại cho người dân.

Trao đổi với báo chí, ông Lương Thanh Tùng, Chủ tịch HÐQT Cty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà (Viwasupco) cho biết, Cty đang nỗ lực tối đa để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô.  Cty có phần chịu trách nhiệm trong sự cố cấp nước cho người dân, ngoài ra còn có trách nhiệm của từng cá nhân, các bộ phận liên quan đang được cơ quan chức năng xem xét.