Theo cáo trạng được công bố tại tòa, do nghi ngờ ông Trần Phước Sơn (Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) là người tham mưu đề xuất ông Huỳnh Đức Thơ ký văn bản tiếp tục thanh tra lại lô đất L09 tại khu biệt thự Suối Đá (bán đảo Sơn Trà) nhằm làm ảnh hưởng đến uy tín của mình và em trai mình là ông Đào Tấn Bằng, ngày 10/7/2017, Cường mua 1 điện thoại di động đã qua sử dụng và 2 sim của anh Nguyễn Đức Hiền để nhắn tin đe dọa ông Thơ và ông Sơn.
Khoảng 13h45 ngày 11/7/2017, Cường sử dụng sim số 01262526048 soạn tin: “Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu”, sử dụng sim số 0936089536 soạn tin “rồi mày phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày phải hứng lấy quả báo, rồi mày cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó” rồi gửi các tin nói trên vào số máy của ông Huỳnh Đức Thơ và của ông Trần Phước Sơn. Sau đó hủy máy và sim đã nhắn tin vứt xuống sông Hàn.
Tại phiên xét hỏi sáng nay, bị cáo Cường khai việc nhắn tin này phát sinh từ việc ông Huỳnh Đức Thơ và ông Trần Phước Sơn “quá thân mật với bị cáo. Bị cáo đã từng điện thoại xin gặp ông Thơ và ông Sơn nhưng không được” .
Chủ tọa phiên tòa cho rằng: những ngôn từ trong tin nhắn lại sặc mùi xã hội đen, với tư cách là một phó giám đốc có chức vụ quản lý mà nhắn tin cho người thân lại dùng những câu từ như vậy. Ông Cường cho biết: "Vì bị cáo dùng số máy của mình gọi cho ông Thơ và ông Sơn không được nên phải đi lấy số điện thoại khác nhắn cho 2 ông này".
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh : Nguyễn Thành
“Tại sao bị cáo không dùng số đăng ký để nhắn cho bạn hữu của mình? Mà phải đi mua 2 cái sim rác và máy điện thoại khác để nhắn?”, Chủ tọa hỏi. “Bị cáo đã gọi nhưng hai ông này không nghe máy nên lúc bức xúc quá bị cáo ra ngoài mua điện thoại và sim nhắn tin”. Giải thích này của ông Cường, Hội đồng xét xử cho rằng: “chưa có lý lắm”.
“Vì sao phải đập đi rồi vứt xuống sông Hàn?”, ông Cường trả lời: “Nhắn xong, bị cáo nghĩ lại thấy mình sai. Bị cáo muốn gặp ông Thơ, ông Sơn để nói lời xin lỗi. Nhưng chưa được gặp thì bị cáo đã bị bắt”.
Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: những lời khai tại tòa và lời khai tại cơ quan điều tra cái nào đúng? Ông cường cho rằng: trong những lời khai với cơ quan điều tra, bị cáo trong trạng thái tâm thần hoảng loạn nên khai theo hướng dẫn của điều tra viên. Tại hội đồng xét xử bị cáo khai là thật, đúng nhất.
Lúc này, chủ tọa buộc phải công bố bút lục của bị cáo tại cơ quan điều tra trong đó ghi: hai tin nhắn đe dọa xâm hại đến tín mạng với mục đích làm cho ông Thơ và ông Sơn lo sợ, hoang mang rồi từ đó chỉ đạo dừng kiểm tra lô đất số L09 ở Sơn Trà.
“Lẽ ra Hội đồng xét xử không công bố, để cho bị cáo khai. Nhưng do bị cáo không khai nên buộc Hội đồng phải công bố bút lục của bị cáo. Những bản tự khai này do bị cáo tự viết và cam đoan trước cơ quan điều tra” chủ tọa phiên tòa nói.
“Bị cáo nên nhớ rằng Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện kiểm soát tối cao không phải là nơi để bị cáo đùa giỡn, bị cáo thích khai rồi bây giờ chối lại với lời khai đầu. Nếu bị cáo cho rằng lời khai được các điều tra viên hướng dẫn thì việc bị cáo dùng các từ ngữ rất xã hội đen “nợ máu phải trả bằng máu” mọi người cũng chẳng cần nghi ngờ gì” chủ tọa nhấn mạnh
Bị cáo Cường cho rằng: tin nhắn nội dung “đồ mất dạy” lúc đầu bị cáo nhắn cho ông Sơn vì ông Sơn chơi thân với gia đình và bằng tuổi em của bị cáo. Bị cáo dùng lời để dành cho ông Sơn vì những bức xúc trước đó. Bị cáo không nghĩ tới vấn đề sau đó lại lớn như vậy . Bị cáo không có mục đích gì trong tin nhắn đó. Bức xúc nên nhắn không có suy nghĩ gì.
Ông Cường khai việc nhắn cho ông Thơ và ông Sơn vì việc liên quan đến lô đất L09, em trai của bị cáo liên đới việc này và đã có văn bản kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy. “Việc này, không liên quan gì đến em bị cáo. Nhưng em bị cáo vẫn bị đơn thư khiếu nại này kia, thanh tra này kia... Câu nợ máu phải trả bằng máu là câu thường ngày ông bà ta vẫn thường hay nói , bị cáo bắt chước theo, chứ không có suy nghĩ sẽ có hành vi khác đối với ông Thơ và ông Sơn.”
Luật sư Trịnh Thanh Hùng, đại diện cho ông Huỳnh Đức Thơ tham dự phiên tòa cho biết, sau khi nhận được 2 tin nhắn mà Đào Tấn Cường gửi, ông Thơ và gia đình rất hoang mang, lo lắng. Kể từ đó, gia đình ông Thơ phải thường xuyên cảnh giác, thay đổi lộ trình làm việc. Vợ ông Thơ từ chỗ đưa con đi học bằng xe máy đã phải chuyển sang đi ô tô, đi taxi để đảm bảo an toàn. Luật sư Hùng khẳng định ông Thơ không hề biết đến lô đất L09 và không có chỉ đạo nào liên quan đến lô đất này...
Kết thúc phần xét hỏi, Đại diện Viện kiểm soát nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu quan điểm và đề nghị mức án 2 - 3 năm tù đối với bị cáo Đào Tấn Cường do bị cáo là người có nhân thân tốt, gia đình 2 bên có công cách mạng…
Chiều nay (9/2) phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra.