Vụ dùng bãi không phép làm nơi “giam” nghìn xe vi phạm: Công an nói gì?

TP - Sau khi báo Tiền Phong có bài “Dùng bãi xe lậu làm nơi "giam" nghìn xe vi phạm”, ngày 3/6 nhiều lãnh đạo Đội CSGT Hà Nội và Công an Hà Đông đã xác nhận có việc đưa xe vào bãi xe không phép Hà Cầu. Đề cập đến hướng xử lý bãi xe vi phạm, chiều qua đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động bãi giam xe này.
Một số xe vi phạm có bút tích niêm phong của đại diện Phòng CSGT Hà Nội tại bãi xe Hà Cầu

Ai tiếp tay?

Trước việc bãi trông xe Hà Cầu đang có hơn 1.000 xe máy, ô tô vi phạm nhưng không có phép hoạt động, trong ngày 3/6, PV Tiền Phong đã đi tìm hiểu nguồn gốc của số xe trên là ở đâu chuyển đến. Qua trao đổi với chủ bãi xe cũng các đơn vị có liên quan, chúng tôi được biết, có 3 Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Hà Nội và các đơn vị thuộc Công an quận Hà Đông đang đưa xe vi phạm giao thông về đây để tạm giữ. 3 Đội CSGT đưa xe vi phạm về bãi xe Hà Cầu gồm: Đội CSGT số 7, Đội CSGT số 10, Đội CSGT số 11; các đơn vị của Công an quận Hà Đông, bao gồm: Đội CSGT-trật tự và công an các phường.   

 Khoảng 1.000 xe máy vi phạm đang chất thành bãi để phơi nắng mưa

Qua xác minh được biết, trong tháng 5/2020, Đội CSGT số 7 đã kiểm tra và xử lý hơn 2.600 trường hợp phương tiện vi phạm, trong số này có 86 trường hợp xe vi phạm phải tạm giữ phương tiện, số xe bị giam giữ này gồm 1 ô tô, 1 xe ba bánh và 84 xe máy. Thông tin về các xe vi phạm bị tạm giữ được chuyển về đâu? Đại diện lãnh đạo Đội CSGT số 7 cho biết, đều chuyển về bãi trông xe Hà Cầu.

Tương tự, từ ngày 15 đến 31/5, Đội CSGT số 10 kiểm tra và xử lý hơn 400 trường hợp phương tiện vi phạm, trong số này có 80 trường hợp xe vi phạm phải tạm giữ phương tiện, số xe bị tạm giữ này có 5 xe ô tô con, 3 xe tải và 72 xe máy. Đại diện lãnh đạo Đội CSGT số 10 cũng cho biết, đều chuyển về bãi trông xe Hà Cầu.

Đề cập đến việc đưa xe vi phạm vào bãi giam xe không phép Hà Cầu, ngày 3/6 đại diện một số đội kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của Công an Hà Đông cho biết, đơn vị mình đưa xe vi phạm vào bãi xe Hà Cầu do lãnh đạo công an quận có ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm với chủ bãi xe này.

Thông tin về khoảng 1.000 xe máy đang tạm giữ lâu ngày trong bãi xe Hà Cầu, trong số này có nhiều xe bị hoen gỉ, xuống cấp, ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long (chủ quản lý bãi xe) cho biết, đa số xe này là xe vi phạm giao thông tồn đọng trong thời gian dài và chưa thấy chủ xe đến nhận lại.

Sau khi vào làm việc, kiểm tra bãi trông xe Hà Cầu và phát hiện bãi xe không có phép, ngày 3/6 trao đổi với PV Tiền Phong về hướng xử lý, ông Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Hà Đông cho biết, đội vừa lập biên bản sự việc và yêu Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Hà Cầu - Thăng Long thực hiện ngay một số yêu cầu. Cụ thể: Tại thời điểm kiểm tra đơn vị chủ quản không trình được giấy phép hoạt động, do vậy Đội Thanh tra giao thông Hà Đông yêu cầu bãi xe Hà Cầu chấm dứt việc trông giữ phương tiện. Với số lượng phương tiện đang có trong bãi xe, Đội Thanh tra giao thông Hà Đông yêu cầu: trong thời gian từ ngày 2 đến 9/6/2020 (7 ngày) đơn vị chủ quản phải di chuyển toàn bộ số xe này ra khỏi bãi trông giữ vi phạm.  

Nộp tiền bảo lãnh phương tiện: Còn bỏ ngỏ

Trước tình trạng người dân bị cẩu kéo và thu phí trông giữ xe vi phạm giá “chặt chém”, luật sư Lê Anh Toàn, Văn phòng luật sư Tràng An (Hà Nội) cho biết: Trong các nghị định xử phạt về vi phạm hành chính và quản lý, bảo quản tang vật trên lĩnh vực giao thông gần đây, đặc biệt là Nghị định 115/2013/NĐ-CP, Nghị định 31/2020/NĐ-CP, Chính phủ đều đưa ra nội dung, người vi phạm có thể nộp tiền bảo lãnh cho phương tiện của mình để giảm tải cho công tác xử phạt và các bãi tạm giữ xe vi phạm.

“Tuy nhiên, khi các nghị định trên đi vào thực tế, cơ quan thực hiện nghị định nhiều địa phương dường như chỉ áp dụng quy định, nội dung về xử phạt, mức phạt cho từng hành vi. Các nội dung được xem là cải cách, văn minh nhằm giảm áp lực cho người dân, các điểm trông giữ xe vi phạm lại ít được thực hiện”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, quy định này nhằm giúp người dân giảm việc phải cẩu kéo xe, giảm phiền hà và giảm quá tải cho các điểm trông giữ xe vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay thiếu hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội góp ý: Nếu thực hiện được việc nộp tiền bảo lãnh để một chiếc xe máy không phải tạm giữ và phơi nắng mưa nhiều ngày ở bãi trông xe vi phạm là điều nhiều người dân ủng hộ, hoan nghênh. Tuy nhiên, với ô tô - đối tượng đang có nhiều bức xúc về việc bị cẩu kéo, giam xe thì cần phải có thông tư, văn bản hướng dẫn cho từng loại xe hoặc theo năm sản xuất để cơ quan thực thi trên đường có cơ sở áp dụng.