Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ tiếp tục vào ngày 19/3, với phần tranh luận và đại diện Viện kiểm sát sẽ luận tội đối với các bị cáo.
Ai làm sai lệch kết quả thanh tra SCB?
Hai tuần diễn ra phiên tòa, các bị cáo đã có những lời khai về hành vi phạm tội được nêu trong cáo trạng.
Trong đó, đáng chú ý nhất là lời khai mâu thuẫn của ông Nguyễn Văn Hưng (66 tuổi, quê TP Hà Nội, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) với bà Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, quê Thái Bình, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng 2) về sai phạm trong việc thanh tra SCB.
Tại phiên tòa ngày 8/3, bà Nhàn thừa nhận kết luận thanh tra đã không phản ánh đúng thực tế khách quan. Bà Nhàn không sửa mà chỉ bổ sung phần kết luận và các khoản vay xếp nhóm 3 - 5 nhưng lại xếp vào nhóm 1 là theo chỉ đạo của ông Hưng.
Bà Nhàn còn khai, bản thân bà đã hết sức cố gắng khi thanh tra và các báo cáo đều xác định đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan điều tra.
“Theo chỉ đạo của anh Hưng mà bị cáo đã làm sai. Bị cáo nhận thấy mình có sai phạm...”, bà Nhàn trình bày.
Trong khi đó, ông Hưng khai, bản chất của việc thanh tra SCB là thanh tra định kỳ chứ không phải thanh tra đột xuất và sau này làm việc với cơ quan điều tra thì ông mới phát hiện có sự sai lệch về mặt số liệu trong báo cáo.
Ông Hưng nói, xin chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu; bản thân có thiếu sót, thiếu kiểm tra giám sát trong quá trình thanh tra dẫn đến không phản ánh thực tế, làm sai lệch kết quả tài chính của SCB.
Đáng chú ý, ông Hưng cho rằng, việc chỉ đạo thu hẹp phạm vi thanh tra theo kế hoạch 92 sang 99 là do bà Nhàn đề xuất thay đổi vì thời gian không nhiều, khối lượng công việc quá lớn.
“Bị cáo điều chỉnh do nghĩ thuần túy là điều chỉnh về mặt thời gian chứ không nghĩ sâu hơn. Bị cáo thừa nhận việc điều chỉnh này đã không làm rõ sai phạm của 71 khách hàng. Mong HĐXX xem xét vì về mặt ý thức bị cáo hoàn toàn không chủ động thực hiện”, ông Hưng trình bày và khai do gần về hưu nên không dành toàn sức, toàn tâm cho việc thanh tra dẫn đến sai phạm.
Được xét hỏi lại nội dung này tại phiên tòa ngày 14/3, ông Hưng khai, ông là người ký quyết định thanh tra chứ không phải là người phụ trách thanh tra, giám sát; không chỉ đạo làm sai lệch kết quả thanh tra. Ông Hưng còn nói có đọc báo cáo của đoàn thanh tra và là người chấp thuận báo cáo của đoàn thanh tra để báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ông Hưng khai không nhớ rõ có tham gia các cuộc họp mà các thành viên đoàn thanh tra báo cáo kết quả và trong quá trình thanh tra thì không được gửi các kết quả cho thành phần HĐQT, ban kiểm soát của ngân hàng…
Trong khi đó, bà Nhàn khai rằng, báo cáo kết quả thanh tra lần 1 là đúng, sát với kết luận thanh tra thực tế và đã trình cho ông Hưng để báo cáo nội dung cho NHNN và chuẩn bị cho cuộc họp báo cáo Chính phủ, nhưng ông Hưng đã chỉ đạo sửa lại.
Sau đó, bà Nhàn chỉ đạo cho cấp dưới là Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh sửa lại.
“Bị cáo cho rằng bị cáo Hưng không dám thừa nhận đã chỉ đạo sửa. Bị cáo sẽ đưa ra chứng cứ chứng minh anh Hưng đã chỉ đạo. Bị cáo chỉ chịu trách nhiệm báo cáo lên bàn anh Hưng còn báo cáo lên lãnh đạo NHNN, chính phủ là anh Hưng phải chịu trách nhiệm”, bà Nhàn trình bày.
Hai đợt thanh tra diễn ra như thế nào?
Thanh tra đợt 1 với thời hạn 45 ngày, kể từ ngày 16/8/2017 với 5 tổ công tác và do bà Nhàn làm Trưởng đoàn.
Nội dung thanh tra gồm: hoạt động cấp tín dụng từ 30/6/2014, các khoản lãi và phí phải thu, thực trạng xử lý nợ xấu, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019 của NHNN về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của SCB.
Trong đó, tập trung đối với các nội dung chủ yếu về việc thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các phương án, dự án tái cơ cấu; đánh giá hoạt động quản trị, điều hành của SCB đối với các nội dung thanh tra.
Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của các thành viên trong Đoàn và các Tổ thanh tra, ngày 18/12/2017, Đoàn thanh tra đã lập, ký biên bản làm việc với SCB với 7 sai phạm. Trong đó, nổi lên sai phạm về phân loại nợ xấu sang nhóm cao hơn.
Đợt thanh tra lần 2 được tiến hành trong 15 ngày, kể từ ngày 12/4/2018 với 3 tổ công tác để làm rõ 3 nội dung, gồm: làm rõ các vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và cho vay, dịch chuyển dòng tiền, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định; xác định thực trạng cấp tín dụng, việc sử dụng tiền vay, mối quan hệ sở hữu của nhóm Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan đối với nhóm 71 khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM).
Thanh tra hoạt động cấp tín dụng và thu nợ của SCB đối với các khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai còn dư nợ tại thời điểm ngày 31/3/2018 và đến thời điểm thanh tra; thanh tra việc chấp hành quy định về giới hạn cấp tín dụng trong việc cấp tín dụng của SCB đối với các khách hàng có dư nợ tại thời điểm ngày 31/3/2018…
Theo cáo trạng, Đoàn Thanh tra đã bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB; báo cáo đề xuất không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB. Dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, trái pháp luật; nhận tiền, quà và lợi ích vật chất khác của SCB để làm trái công vụ trong quá trình thanh tra.
Trong quá trình thanh tra tại SCB, các bị cáo đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của SCB để thực hiện những hành vi sai phạm nêu trên. Trong đó, ông Hưng đã nhận 390.000 USD.
Cáo trạng cũng xác định, ông Hưng là người ra quyết định thanh tra, trực tiếp chỉ đạo bà Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên NHNN và Chính phủ.
Bà Nhàn thực hiện chỉ đạo của ông Hưng, trực tiếp chỉ đạo bà Phụng và tổ tổng hợp lập, chỉnh sửa các báo cáo của Đoàn Thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.
Các thành viên còn lại của đoàn có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ; ra kết luận thanh tra theo hướng không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế.
Các việc làm trên dẫn tới không kịp thời ngăn chặn, để bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.