Vụ án Mai Văn Dâu: Các cơ quan tố tụng chưa thống nhất

Theo TAND TP HCM, trong vụ án này cần truy cứu thêm 9 đối tượng với các tội danh đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Bị can Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Mai Văn Dâu và Mai Thanh Hải.

Quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 279 - BLHS, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hôm qua, 3/10, Đại tá Trần Công Đoàn, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết, Cơ quan ANĐT vừa nhận được quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện KSND tối cao theo đề nghị của TAND TP HCM.

Sau khi vụ án Mai Văn Dâu được khởi tố, điều tra, đến ngày 18/8/2005, Cơ quan ANĐT có kết luận điều tra số 827/ANĐT, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 18 bị can.

Do cần làm rõ thêm một số nội dung, VKSND tối cao có Quyết định số 27/QĐ-VKSNDTC ngày 19/12/2005 và Quyết định số 09/QĐ-VKSNDTC ngày 17/2/2006 về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo đó, Cơ quan ANĐT đã có tiếp 2 bản kết luận điều tra bổ sung số 1251/ANĐT, ngày 19/12/2005 và kết luận bổ sung số 04/ANĐT ngày 16/3/2006.

Lần điều tra bổ sung thứ ba này xuất phát từ đề nghị của TAND TP HCM, chủ yếu về quan điểm đánh giá tính chất phạm tội đối với một số bị can và điều luật áp dụng. Theo TAND TP HCM, cần điều tra bổ sung trường hợp Tsang Tak Lung, quốc tịch Hồng Kông, Tổng Giám đốc Công ty Leader One Việt Nam.

TAND TP HCM nhận định ông Lung đã đưa cho Bùi Văn Tuấn hơn 161.000 USD để "chạy" quota, hành vi này cũng tương tự như hành vi của Lai Wai Hung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sundance Clothing Việt Nam nên Hung cũng cần phải truy tố về tội đưa hối lộ.

TAND TP HCM cũng nhận định, Nguyễn Thị Mỹ Hà, Nguyễn Đức Chính đã móc nối với Đặng Vũ Quang, đưa cho Quang 1,5 tỷ đồng để "chạy" quota, do đó cần truy cứu trách nhiệm hình sự Hà và Chính về tội đưa hối lộ. Đồng thời, việc Đặng Vũ Quang gặp Mai Thanh Hải và đưa cho Hải 560 triệu đồng để "xin" quota thì hành vi của Quang cũng hội đủ tội môi giới hối lộ.

Chou Ming Chen được Wu Chun Te móc nối với Nguyễn Cương đến nhà ông Mai Văn Dâu và đã đưa cho Cương 27.000 USD để nhờ Cương chuyển tới tay ông Dâu. Tòa nhận định hành vi này đủ dấu hiệu tội đưa hối lộ, cần truy tố.

Ngoài ra, bà Hậu Thiên Hoa cũng đưa cho Phan Nghĩa Hiệp, Trịnh Thị Hồng Điệp, Phạm Anh Tuấn 26.800 USD để "chạy" quota. Dù sự việc sau đó không thành, bà Hoa có báo cáo cơ quan Công an để bắt quả tang Hiệp khi đang nhận tiền nhưng vẫn phải truy cứu bà Hoa về tội đưa hối lộ. Chu Văn Đàm và Lưu Tuấn Nhơn cũng đã đưa cho Phan Nghĩa Hiệp 11.400 USD nên hành vi này cũng phải truy cứu tội đưa hối lộ...

Như vậy, theo TAND TP HCM thì trong vụ án này cần truy cứu thêm 9 đối tượng với các tội danh đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Ngoài ra, về hành vi nhận hối lộ của Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng, cáo trạng của VKSND tối cao áp dụng điểm a, khoản 3, Điều 279 - BLHS về tội nhận hối lộ (có khung hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm).

VKSND tối cao cho rằng, việc áp dụng điều khoản nói trên là căn cứ số tiền mà các bị can đã nhận hối lộ, đã được Cơ quan ANĐT chứng minh, làm rõ, khẳng định trong kết luận điều tra. Tuy nhiên, TAND TP HCM nhận định bị can Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 279 - BLHS, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Về mâu thuẫn trong việc kết luận hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Cương và bị can Lai Wai Hung, Cơ quan ANĐT khẳng định, mặc dù có những lời khai mâu thuẫn nhưng Cơ quan ANĐT có đủ căn cứ kết luận Lai Wai Hung đưa hối lộ cho Nguyễn Cương 18.000 USD để nhờ xin hạn ngạch. Việc bị can Nguyễn Cương khai nhận từ Lai Wai Hung 35.000 USD là không có căn cứ. Trong thời gian điều tra bổ sung, Nguyễn Cương đã thay đổi lời khai, cho rằng chỉ nhận 18.000 USD từ Lai Wai Hung.

Đại tá Trần Công Đoàn cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan lĩnh vực kinh tế nhạy cảm. Lợi dụng cơ chế xin, nhiều bị can là cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã có nhiều hành vi sai phạm nhằm trục lợi cho bản thân.

Thủ đoạn hoạt động phạm tội của các bị can tinh vi, liên tục, trong thời gian dài, có hệ thống, diễn ra trên phạm vi rộng ở nhiều tỉnh, thành, tội phạm có kinh nghiệm đối phó với CQĐT. Hình thức đưa, nhận hối lộ cũng khác các vụ án đã xảy ra là không tập trung rồi chia nhau mà ở khâu nào thì đối tượng nhận tiền khâu đó. Do đó, hành vi phạm tội của các bị can làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế của Nhà nước.

Cơ quan ANĐT cho biết, về cơ bản, các kết luận điều tra và điều tra bổ sung của Cơ quan ANĐT đã chứng minh rõ hành vi phạm tội của các bị can, viện dẫn điều luật áp dụng tương ứng. Đây là vụ án phức tạp, liên quan vấn đề nhạy cảm, do đó cần có sự đánh giá thống nhất giữa các cơ quan tố tụng về hành vi, tính chất, mức độ phạm pháp của các bị can.

Theo đó, tới đây Viện KSND tối cao sẽ họp liên ngành (Cơ quan ANĐT, Viện KSND tối cao, TAND tối cao) xem xét cụ thể. Dự kiến, vụ án sẽ được báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về đường lối

Theo Đăng Trường
CAND