> Ngỡ ngàng, không biết thí sinh đi đâu
“Còn nước còn tát”
Theo đại diện nhiều trường, họ đang tuyển sinh với phương châm: Còn nước thì còn tát, tuyển được ít thì mừng ít, nhiều thì mừng nhiều.
TS. Nguyễn Hữu Quyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho biết: Từ ngày 15-10 đến nay, chỉ có 3 thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đến thời điểm này, trường còn thiếu khoảng 250 chỉ tiêu hệ ĐH, CĐ chính quy ở tất cả các ngành. Dù có kéo dài tới 30-11 thì cũng khó mà thay đổi được tình hình nhưng nhà trường quyết “vớt” được thí sinh nào thì vớt.
Khi chúng tôi gọi điện hỏi tình hình tuyển sinh thì ThS. Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai nói vừa đùa vừa thật: “Nhà báo phải hỏi là các trường NCL như trường chúng tôi chết chưa thì mới đúng!”. Ông Sơn nói thế bởi theo ông, hiện trường còn hơn 1.000 chỉ tiêu ở hệ ĐH, CĐ.
“Các ngành Công nghệ cơ khí, Xây dựng rất khó tuyển. Mỗi ngành chỉ có chưa tới 30 tân sinh viên nhập học. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải cố gắng duy trì các ngành này bằng cách lấy ngành này nuôi ngành kia thôi”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, PGS. TS. Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn còn đến 700 chỉ tiêu.
Các ngành Tin học, Ngoại ngữ, Môi trường, Sinh học gần như không tuyển sinh được.
Hàng loạt các trường ĐH khác như: ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam), ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cũng đang rơi vào tình trạng một số ngành tìm không ra người học.
Nhiều trường ĐH khác thì dù đã tổ chức lễ khai giảng và các tân sinh viên đã bắt đầu nhập học nhưng vẫn tiếp tục tuyển sinh đến 30-11. Một số trường khác thì chờ đến sau 30-11 mới tổ chức lễ khai giảng năm học.
PGS. TS. Phạm Bá Phong cho hay: Hiện các tân sinh viên đã nhập học nhưng nhà trường đợi sau 30-11 mới tổ chức lễ khai giảng. Những thí sinh trúng tuyển “muộn” sẽ bước vào học ngay lý thuyết. Các phần sinh hoạt chính trị đầu khóa các em sẽ học vào năm sau.
Vì sao tuyển không ra người học?
Theo phân tích của TS Nguyễn Hữu Quyền, sở dĩ năm nay các trường ngoài công lập khó tuyển là vì: Năm ngoái, các trường công lập thường công bố điểm chuẩn xét tuyển ngay sau khi kết thúc mỗi đợt xét nguyện vọng. Và những thí sinh không trúng tuyển thì các em rút hồ sơ và nộp ngay vào các trường ngoài công lập. Bởi nếu không nộp đúng thời hạn thì dù có điểm cao, hồ sơ của các em cũng sẽ bị… “thối” ngay.
Nhưng năm nay, các trường top trên cũng như top dưới đều xét tuyển đến 30-11 nếu còn chỉ tiêu. Hiện một số trường ĐH công lập đang “ôm” một lượng lớn hồ sơ thí sinh và nhiều trường không cho thí sinh rút hồ sơ.
Nhiều trường công lập lại hạ điểm sàn xét tuyển, nên một số trường giữ hồ sơ của thí sinh đã nộp để tiếp tục xét tuyển các đợt sau.
ThS. Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho biết, có 3 vấn đề khiến các trường NCL khó tuyển là: Hiện nay, các trường CL vẫn chưa có điểm dừng về tuyển sinh (kéo dài tới 30-11 - PV); Số thí sinh dư thật sự như công bố là không có và do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều thí sinh ngại lên thành phố lớn học tập.
Mặt khác các em chọn học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp để nhanh ra trường và nhanh đi làm hơn.
PGS. TS. Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt chia sẻ thêm: Một số quy định về tuyển sinh năm nay xét về thực tế thì có một số vấn đề không hợp lý ví như: Việc các trường CL không cho thí sinh rút hồ sơ thì dù các em có trúng tuyển vào trường NCL cũng không lấy đâu ra bảng điểm chính để các em bổ sung vào hồ sơ nhập học. Do đó, dù các trường NCL có xét tuyển đến 30-11 cũng sẽ tuyển không ra.