Bởi tình yêu của tuổi trẻ, khi em quen biết anh ấy em mới học năm thứ 3 đại học, cái tuổi còn nhiều mộng mơ về một cuộc sống tươi đẹp với “chàng hoàng tử” của cuộc đời.
Cũng dễ hiểu khi em đã bỏ ngoài tai những lời xì xầm to nhỏ của bạn bè về một chàng “cua gạch”, khi đi làm và có nhà riêng ở thành phố mà chỉ mua tặng người yêu những món quà tặng rẻ tiền.
Tất nhiên tình yêu không đánh giá dựa trên vật chất, trên giá trị của những món quà tặng nhưng nếu anh ấy cũng là sinh viên, chưa kiếm được nhiều tiền thì khác.
Rồi khi quyết định cưới, lên danh sách khách mời, anh ấy cân đong đo đếm, suy tính thiệt hơn từng người khách một như là đám cưới là một thương vụ kinh doanh chứ không phải mời mọi người đến để chung vui với hạnh phúc của vợ chồng em.
Đến khi cưới xong thì toàn bộ tiền mừng cưới anh ấy giữ, rồi phũ phàng gạt bỏ mong muốn được đi tuần trăng mật của vợ…
Đến chuyện mặt nặng mày nhẹ khi bố mẹ vợ lên mà không đem theo đồ ăn “tiếp tế”, rồi chỉ vì 1.000 đồng biếu bà cụ bán rau vì bà không có tiền trả lại mà mắng như hắt nước vào mặt vợ thì tôi thấy chồng em chẳng còn gì để mà “bẩn tính” hơn nữa.
Nhưng bây giờ em đã là vợ anh ấy, hai vợ chồng cũng sống chung chưa lâu, vì cái tính keo kiệt của chồng mà em buông tay, để tan vỡ hạnh phúc gia đình thì tôi nghĩ em hơi vội vàng, em ạ.
Nên chăng bây giờ em cứ thẳng thắn nói chuyện cùng chồng mình, phân tích cho anh ấy thấy, đâu là sự tiết kiệm, còn đâu là tính keo kiệt, bủn xỉn trong cuộc sống vợ chồng và đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.
Chồng em tính cục cằn, dễ nổi nóng nên em hãy kiên nhẫn và hết sức mềm mỏng, em nhé. Nếu như anh ấy nhận ra những sai lầm ấy mà sửa chữa, thì cuộc sống của gia đình em sẽ “thoáng” hơn rất nhiều. Còn nếu không thì khi ấy, em quyết định mọi việc cũng chưa muộn.