Vợ chồng cũng cần... xa nhau

Nghĩ cho cùng, dưỡng chất đầu tiên và cuối cùng của tình yêu vẫn là tự dâng hiến, tự nguyện phục vụ trong cảm xúc thăng hoa, chứ không phải rập khuôn “đến hẹn lại lên”.

“Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Khi đang yêu, hầu hết người ta sống trong tâm thức này - muốn gặp nhau từng ngày, từng giờ. Có những đêm, lưng nằm chẳng chạm giường, chỉ mong trời mau sáng, để được gặp nhau. Thậm chí, 

"Dù ai cho bạc, cho vàng

Chẳng bằng trông thấy mặt nàng

chàng hôm nay”.

Nói cách khác, lúc yêu, họ muốn luôn “dính như sam”.

Đó là một trong những biểu hiện của tình yêu, cứ như thể dù chỉ xa nhau một giây là bằng thiên thu vời vợi. Sốt ruột lắm, phải gặp nhau, tha hồ ríu ríu, tâm sự: “Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời/ Hồn em, anh thở ở trong hơi” (Huy Cận). Thích quá nhỉ?

Vậy thì, lúc đã ăn chung mâm, ngủ chung giường, nếu vẫn giữ được thói quen ấy ắt hạnh phúc tăng bội phần? Chưa chắc đâu.

Vừa rồi, tôi có gặp chị bạn ở Mỹ về, sau những thăm hỏi nọ kia, vốn tò mò, tôi “đá giò lái” qua tình cảm riêng tư, vì tôi biết trước đây, bỏ ngoài tai mọi lời ngăn cản của cha mẹ, chị đã cương quyết đi theo “tiếng gọi tình yêu”. Đó là một chàng trai lãng mạn, hào hoa, thích phiêu lưu, lại có giọng ca cỡ các “ông hoàng nhạc Việt”. Sống chung với một người như thế, cuộc sống luôn thi vị. Tôi nghĩ thế, nên gợi chuyện để nghe chị kể và chờ cơ hội chúc mừng.

Nào ngờ, chị thở dài: “Nhiều lúc tôi ước chồng mình sẽ về trễ hoặc thỉnh thoảng đi công tác vài ngày”. Ngạc nhiên chưa? Chị thủ thỉ: “Một khi quan hệ vợ chồng đã vào khuôn vào nếp, cứ thế lặp lại thì chẳng gì chán hơn”. Chị ở nhà lo nội trợ, người chồng làm công sở, chiều về đúng giờ, bất kể thời tiết ra sao. Rồi cơm nước, dăm câu trò chuyện, rồi đi ngủ. “Thời khóa biểu” đều đặn khiến chị không còn hứng thú, háo hức chờ đợi gì nữa.

Nói điều này, có thể nhiều người cho là kỳ cục, nhưng vợ chồng nên có khoảng thời gian xa cách, để bên nhau dài lâu. Thời trước, do phương tiện thông tin còn hạn chế, khi một người đi xa là “hai phương trời cách trở”, thậm chí cứ như “âm dương cách biệt”. Ngày nay đã khác. Cả hai vẫn có thể tương tác hằng ngày bằng nhiều cách: gọi điện thoại, nhắn tin, trò chuyện qua webcam, Facetime, thư điện tử…

Khoảng thời gian chờ đợi ấy chính là chất men để tạo nên sự thú vị, mới mẻ trong cảm xúc. Có những tình huống khiến họ cảm thấy cần đến người chồng/vợ biết chừng nào. Có thể đó chỉ là những chuyện vặt vãnh, chẳng gì to tát, nhưng nếu có bàn tay ve vuốt, một tiếng nói vỗ về thì sẽ ấm áp hơn hẳn. Những việc làm ấy, trước đây họ nghĩ tất nhiên phải thế, nhưng lúc xa cách mới ý thức được chính là biểu hiện của tình cảm vợ chồng. Rồi lúc gặp lại nhau, họ sẽ có cảm giác tươi mới như lần đầu gặp gỡ. Mà có khi cũng từ xa cách ấy, cả hai có thể hóa giải được nhiều chuyện đã xảy ra, khiến họ giật mình “tưởng dzậy mà không phải dzậy”.

Cô em út nhà tôi kể, có lần sau khi rời cơ quan, cô cảm thấy bức bối, vì bị sếp phê bình điều gì đó. Lúc bước vào nhà, sau khi nghe cô than phiền, người chồng vô ý chỉ mở miệng cười toe toét. Thử hỏi sao không bực mình? Thế là đang cau có càng bực bội, cô gây với chồng một trận tưng bừng, từ những chuyện cũ cô nhớ được.

Rồi lần nọ, đi công tác xa nhà, cô mới biết “nửa kia” không phải vô tâm, bởi qua email, anh chồng đã hỏi han, nhắc nhở cô từng chút - những điều  mà bình thường chẳng hề thấy anh thể hiện. Nếu những chăm chút, quan tâm ấy diễn ra lúc hai người chung nhà, có lẽ không “ép-phê” đến vậy.

Trở lại trường hợp của chị bạn tôi, với thời khóa biểu sít sao như trên, chắc ai cũng thấy rõ sự tù túng trong mối quan hệ này, ít ra là với chị. Do chạm mặt nhau mỗi ngày, dù yêu nhau tha thiết, cả hai không có điều kiện thể hiện điều đó. Người thực hiện và người đón nhận, chỉ nghĩ đơn giản đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mối quan hệ đã xác lập. Không chai lì cảm xúc mới lạ.

Nghĩ cho cùng, dưỡng chất đầu tiên và cuối cùng của tình yêu vẫn là tự dâng hiến, tự nguyện phục vụ trong cảm xúc thăng hoa, chứ không phải rập khuôn “đến hẹn lại lên”. 

Theo Theo Phunuonline