V.League: Thu nhập tăng, đạo đức giảm

TP - Qua 15 năm đi lên chuyên nghiệp, thu nhập của cầu thủ Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nhưng cùng với đó, tệ nạn và tiêu cực cũng trở nên phổ biến, đến nay chưa có dấu hiệu giảm.
Nhiều cầu thủ đã đưa mình tới vành móng ngựa khi sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Ảnh: VSI

Mùa giải 2000-2001 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của bóng đá Việt Nam, với việc giải VĐQG được khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp. Các CLB được cho phép ký hợp đồng tuyển mộ ngoại binh, được chờ đợi sẽ nâng cao chất lượng, tăng sức hấp dẫn của giải đấu.

Khi đó, các CLB chưa bị đẩy vào cuộc chạy đua chóng mặt dựa vào đồng tiền. Lương một cầu thủ vào hàng “sao” khi đó chỉ dao động trong khoảng trên dưới 5 triệu đồng, và không có nhiều các khoản “mềm”. 

Mãi đến năm 2003, thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam mới ghi nhận vụ “nổ” đầu tiên khi Đồng Tâm Long An chi 400 triệu để lấy tiền vệ Minh Phương từ Cảng Sài Gòn. Đây cũng là giai đoạn “Gạch” đang phát triển mạnh, ông bầu Võ Quốc Thắng chi không tiếc tiền để cạnh tranh với đội bóng phố Núi HA.GL.

Tuy nhiên, không lâu sau đó kỷ lục trên bị phá vỡ bởi bản hợp đồng trị giá cả tỷ đồng đưa tiền vệ Trần Trường Giang về Bình Dương. Đến năm 2007, V.League tiếp tục chấn động với thương vụ lấy tiền đạo Lê Công Vinh (SLNA) của Hà Nội T&T. Bên cạnh yếu tố chuyên môn, hợp đồng với Công Vinh khi đó được đánh giá là chiêu “đánh bóng” tên tuổi hoàn hảo của đội bóng thủ đô.

Kể từ thời điểm trên, V.League rơi vào cuộc đua bạc tỉ giữa các CLB, với giá trị chuyển nhượng cầu thủ bị đẩy lên chóng mặt. Các kỷ lục bạc tỷ liên tục bị phá vỡ, cao nhất phải kể đến hợp đồng mua trung vệ Phước Tứ của Sài Gòn Xuân Thành vào năm 2010, được cho là 14 tỷ đồng, hay hợp đồng của trung vệ Như Thành và tiền đạo Việt Thắng, đều về Ninh Bình, có phí “lót tay” trên dưới chục tỷ đồng.

Cùng với giá trị chuyển nhượng bị đẩy lên, lương cho các cầu thủ ở V.League cũng tăng không ngừng. Trung vệ Như Thành khi rời Bình Dương để đầu quân cho Ninh Bình của bầu Trường được khẳng định nhận mức lương lên tới 50 triệu đồng/tháng. Lương các cầu thủ hạng A tại những đội bóng “có điều kiện” ở V.League cũng phổ biến ở mức trên dưới 30 triệu đồng. Chưa kể, tiền thưởng cho mỗi trận thắng ở V.League cũng tăng, có nơi tới 500 triệu đồng/trận.

Tăng tệ nạn

Thu nhập tăng, một mặt giúp đời sống cầu thủ bóng đá được nâng lên, nhưng mặt khác cũng khiến cho nhiều người kém bản lĩnh sa vào tệ nạn. Cá độ, cờ bạc, thậm chí cả “chơi” ma túy… bóng đá Việt Nam không thiếu những tấm gương mất nghiệp vì tệ nạn.

 Giới bóng đá Việt Nam từng xôn xao trước vụ 5 cầu thủ Hà Nội T&T “đi nhầm” vào động lắc ở TP Hồ Chí Minh, hay một cầu thủ đầy tiềm năng như Nguyễn Hồng Việt của SLNA rốt cuộc “tắt lịm” vì dính vào ma túy. Với người trong cuộc, đây chỉ là “tảng băng nổi”, che đậy những mảng tối kinh khủng ở dưới.

Đồng tiền kiếm dễ, nhiều cầu thủ đã chi không tiếc tay cho các thú ăn chơi. Trong số những ngôi sao từng đình đám với các bản hợp đồng “bom tấn” trước đây như Việt Thắng, Phước Tứ, Như Thành, Công Vinh…thì ngoại trừ Công Vinh, ít người tạo dựng cho mình một cuộc sống đầy đủ, tương xứng với thu nhập kiếm được trước kia. Như Thành tới nay gần như vắng bóng trong đời sống bóng đá Việt Nam, trong khi Việt Thắng theo lời nhiều người gần gũi với tiền đạo này, không ít bận tiếc rẻ vì những tháng ngày hoang phí.

Quen ăn chơi, khi việc kiếm tiền trở nên khó khăn hơn, lắm cầu thủ đã đánh mất mình, tham gia vào hoạt động cá độ, bán độ. V.League qua nhiều mùa giải, người hâm mộ liên tục phải sống trong hoài nghi sau mỗi trận đấu diễn biến “lạ”. Năm 2014, người hâm mộ Việt Nam choáng váng vì vụ bán độ ở Ninh Bình, với quy mô liên quan đến gần nguyên đội hình chính.

Chất lượng chuyên môn không tăng vượt các quốc gia trong khu vực, tiêu cực tràn lan. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người hâm mộ có lúc quay lưng với bóng đá Việt, đẩy nhiều sân vận động vào cảnh hiu quạnh. Những nỗ lực lôi kéo người hâm mộ trở lại với bóng đá nội của VFF và VPF, đến nay vẫn chưa được như mong muốn.

Giới bóng đá Việt Nam từng xôn xao trước vụ 5 cầu thủ Hà Nội T&T “đi nhầm” vào động lắc ở TP Hồ Chí Minh, hay một cầu thủ đầy tiềm năng như Nguyễn Hồng Việt của SLNA rốt cuộc “tắt lịm” vì dính vào ma tuý. Với người trong cuộc, đây chỉ là “tảng băng nổi”, che đậy những mảng tối kinh khủng ở dưới.