Đột phá về tăng trưởng và lợi nhuận
3 năm qua, VIMC đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi tình hình thế giới bước vào một thời kỳ bất ổn hơn bao giờ hết, đại dịch COVID-19 và tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine đã “phủ bóng đen” lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Ngành hàng hải chịu ảnh hưởng nặng nề khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Với đặc thù tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng vận tải quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC bị ảnh hưởng trực tiếp bởi diễn biến địa chính trị, và thị trường.
Nhưng với khát vọng, quyết tâm đổi mới toàn diện nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030, VIMC vươn lên vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam và ghi dấu ấn trên bản đồ hàng hải thế giới, VIMC đã xây dựng nhiều kịch bản thích ứng với sự biến động không ngừng của thị trường, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm”. Chủ động tìm kiếm cơ hội cùng khách hàng để phát triển dịch vụ chuỗi, trên nền tảng hệ sinh thái: Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải.
Thực thi nguyên tắc: 1 Hệ thống - 2 trung tâm - 3 Chiến lược, VIMC đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thành viên. Chuẩn hóa các quy trình theo chuẩn mực quốc tế, và ứng dụng công cụ OECD vào quản trị, điều hành. Thực hiện ứng dụng CNTT và chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện trong mọi hoạt động. Triển khai các dự án đầu tư cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, cùng với các giải pháp thích ứng, linh hoạt, 3 năm qua, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động VIMC đã thực hiện thắng lợi mục tiêu với kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng:
Từ năm 2020 đến 2022, Tổng doanh thu toàn VIMC đạt 41.850 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm. Doanh thu thực hiện hàng năm đều tăng hơn 50% so với kế hoạch. Tổng doanh thu năm 2022 tăng 38% so với năm 2020.
Tổng lợi nhuận đạt 7.359,55 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2022 tăng hơn 6 lần so với năm 2020 và lọt vào Top 50 doanh nghiệp, có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.
Nộp ngân sách tăng bình quân 5,24%/năm, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là trên 5%/năm.
Cùng với sự tăng trưởng của kết quả sản xuất kinh doanh, quy mô của Tổng công ty cũng tăng trưởng mạnh. Tổng tài sản tăng trưởng bình quân 5%/năm. Đến 30/6/2023, tổng tài sản ước đạt 27.179 tỷ đồng, tăng 11%; Vốn chủ sở hữu ước đạt 14.672 tỷ đồng, tăng 56%.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, người lao động VIMC từ khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đã vượt qua mọi thách thức và đạt thành tích ghi nhận. Năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra, là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kỳ vọng bứt phá trong tương lai
Theo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2035 VIMC sẽ phát triển hệ sinh thái tích hợp, kết nối hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ logistics. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng.
Tập trung phát triển các cảng nước sâu có đủ năng lực để đảm nhận vai trò trung chuyển container trong khu vực (các cảng khu vực Cái Mép- Thị Vải, Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh và Lạch Huyện- Hải Phòng) và điều tiết các hoạt động trong dịch vụ chuỗi logistics trọn gói của VIMC. Phát huy tối đa vai trò và vị thế của các cảng lớn nằm tại các cửa ngõ, khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia.
Tập trung nguồn lực để phát triển đội tàu container chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải quốc tế. Việc VIMC phát triển đội tàu container sẽ góp phần nâng cao năng lực đội tàu container của Việt Nam để lấp đầy khoảng trống trong thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; tránh tình trạng các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước một cách bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ hàng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
“Tinh thần của VIMC là các doanh nghiệp phải phát huy mọi tiềm năng của mỗi thành viên, hợp lực và phối hợp với các doanh nghiệp khác để đưa VIMC vươn lên vị thế dẫn đầu. Mọi hoạt động phải hướng tới những điều khách hàng cần, chứ không phải làm với những gì VIMC có. Chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, cải tiến quy trình, rút ngắn tối đa các thủ tục trong quản trị doanh nghiệp, trước hết trong chính Công ty mẹ - Tổng công ty và đến các doanh nghiệp; tạo ra được dịch vụ ưu thế; lấy công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty khi bước vào giai đoạn phát triển mới”.
Chủ tịch Lê Anh Sơn
Đồng thời, VIMC cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn, xây dựng nguồn lực công nghệ thông tin theo hướng tập trung và chuyên môn hóa.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC nhấn mạnh, đối với bất cứ doanh nghiệp nhà nước nào, sau khi cổ phần hóa đều phải minh bạch thông tin, đổi mới mô hình quản trị và đưa sức cạnh tranh, hiệu quả doanh nghiệp lên hàng đầu. Đây chính là các yếu tố then chốt để doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập.