Việt Nam tích cực chuyển đổi nghề cá theo hướng bền vững

TPO - Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới bền vững với định hướng: tăng sản lượng nuôi trồng và giảm sản lượng khai thác thủy sản.

Sáng 28/11, tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Ban Thư ký Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 19.

Hội nghị kéo dài đến ngày 3/12 với sự tham gia của khoảng 550 đại biểu của các quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghề cá trong khu vực…

Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) có sự tham gia của 550 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, các tổ chức nghề cá khu vực... Ảnh: Giang Thanh

Đây là hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC nhằm đánh giá một số hoạt động quan trọng của Ủy ban trong năm; quyết định sự tham gia; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo.

Việt Nam đã tham gia WCPFC với tư cách “Quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác” (CNM) từ năm 2009. Việc Việt Nam tham gia WCPFC với tư cách CNM thể hiện quyết tâm tham gia vào các nỗ lực chung của khu vực nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi cá di cư xa.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành thủy sản nước ta đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới bền vững với định hướng: tăng sản lượng nuôi trồng và giảm sản lượng khai thác thủy sản.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới bền vững. Ảnh: Giang Thanh

Theo thống kê, tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 ước đạt 8,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 4,6 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2022 đạt 9,4 tỷ USD.

“Thông qua các dự án của WPCPFC, Việt Nam được hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản cá ngừ, cá kiếm; nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu; tiếp cận và áp dụng những công cụ đánh giá, xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép hàng năm hoặc trong từng giai đoạn; đưa ra những giải pháp quản lý nguồn lợi và phương pháp bảo tồn, khai thác bền vững nguồn lợi hải sản di cư”, ông Luân nói.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn sẽ tham gia tích cực và đóng góp có hiệu quả hơn nữa trong cơ chế quản lý nghề cá khu vực của WCPFC với tư cách là thành viên đầy đủ; thực hiện cam kết và nỗ lực chung của khu vực nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ; bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản di cư xa; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tuân thủ các quy định của khu vực, quốc tế hướng tới nghề cá có trách nhiệm.

Thông qua các dự án của WPCPFC, Việt Nam được hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản cá ngừ, cá kiếm; nhận được thông tin đầy đủ hơn về nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Giang Thanh

“Việc tham gia WCPFC là một trong những khuyến nghị của EC để đẩy nhanh tiến độ gỡ “thẻ vàng”, đó là tăng cường hợp tác với các tổ chức nghề cá ở trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hội nghị này, Việt Nam cam kết rất mạnh mẽ trong việc bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ nói riêng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ đại dương nói chung”, ông Luân nói.

Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) được thành lập tháng 6/2004. Tính đến tháng 2/2020, Ủy ban có 26 thành viên chính thức, 11 vùng lãnh thổ có sự tham gia và 8 quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác (trong đó có Việt Nam).

Nhiệm vụ chính của WCPFC là quản lý và bảo tồn nguồn lợi cá di cư trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương, trong đó tập trung chủ yếu vào cá ngừ, đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ khai thác đối với các loài thủy sinh không chủ ý đang được bảo vệ như cá mập, rùa biển...