Việt Nam thiệt hại gần 40 nghìn tỷ đồng do thiên tai

TPO - Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, thiên tai trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn ra dồn dập, khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Năm 2020, Việt Nam thiệt hại gần 40 nghìn tỷ đồng do thiên tai. 

Thông tin trên được ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết tại Hội nghị trực tuyến về Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 ngày 4/6.

Theo ông Hoài, trong năm 2020, Việt Nam đối diện với nhiều loại hình thiên tai nghiêm trọng, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới, 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Các đại biểu cho rằng để giảm thiểu thiệt tại từ thiên tai, cần tăng cường năng lực dự báo khí tượng thuỷ văn, dự báo, cảnh báo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...

Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35,8 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Hoài, thời gian qua, bộc lộ một số hạn chế là tại nhiều công trình thủy điện chưa chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong xây dựng dẫn đến các sự cố nghiêm trọng như tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) làm 17 người chết, mất tích. Một số thủy điện chưa tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành hồ chứa và lệnh của cấp có thẩm quyền làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho công trình và hạ du.

Từ đầu năm 2021 đến nay, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương và gây thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan dự báo, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế đó là: Thiệt hại về người vẫn còn lớn; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống công trình PCTT chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của bão lũ...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng trong thời gian tới, các đơn vị cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc lắp đặt trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa, trọng điểm đê điều, khu vực dân cư nguy cơ sạt lở cao, thiết bị giám sát hành trình tàu thuyền trên biển.

Các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách tập trung xử lý dứt điểm các công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, nhất là đối với các tỉnh khu vực miền Trung; khẩn trương thực hiện hoàn thành việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm chỉ đạo điều hành quốc gia phòng chống thiên tai, phấn đấu khởi công xây dựng Trung tâm trong quý IV năm 2021.