> Bốn người được ghép tim, gan, thận từ người hiến tặng
> TT - Huế: Thực hiện thành công ca ghép tim thứ hai
Hôm qua, bệnh nhân ghép tim cách đây sáu ngày tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch (Bệnh viện Việt Đức) đã có thể đi lại bình thường.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Phụ trách khoa này, người trực tiếp ghép tim, cho biết, tốc độ ca ghép rất nhanh. Chỉ có hai ngày để chuẩn bị cho toàn bộ ca ghép khi nhận tin có một ca bệnh nặng có thể tử vong và sẵn sàng hiến tim cho người khác. Hy vọng sống của người hiến tạng mong manh.
Với kinh nghiệm phẫu thuật tim hở cho nhiều trường hợp nặng, từng tham gia 20 ca ghép tim tại Pháp, PGS.TS. Ước, cùng các cộng sự đã thực hiện thành công ca phẫu thuật sau 2 giờ. Theo PGS Ước, sau ca ghép còn phải kiểm soát tình trạng thải ghép lâu dài. Sau 2 ngày, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nhịp tim ổn định, huyết áp bình thường.
GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, ca ghép tim đầu tiên tại bệnh viện này vừa qua có gần 100 y, bác sĩ tham gia, gồm tổ nội khoa, lấy tim hiến, ghép tim, hồi sức tim, hồi sức chết não, miễn dịch hóa sinh, huyết học truyền máu...
Theo GS. Hoàng Mạnh An- Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, khó nhất là cách sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay, các bác sĩ đã có kinh nghiệm sử dụng thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân.
Thống kê từ các bệnh viện cho thấy, hiện số lượng bệnh nhân cần được ghép tim ở Việt Nam khá lớn. TS Ước cho hay, riêng tại Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có 5-10 trường hợp chấn thương sọ não không có khả năng sống sót. Đây là nguồn tạng rất quý giá cho người mắc bệnh hiểm nghèo.
Cả nước mỗi năm có hàng nghìn trường hợp chết não do chấn thương sọ não nặng. Nếu thực hiện tốt vận động, tuyên truyền hiến tạng, sẽ có nhiều người hiến tặng tạng và hiến tim cứu lấy nhiều mạng sống.
Theo GS Hoàng Mạnh An, ba ca ghép tim thành công không chỉ phát triển, hoàn thiện kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam mà còn thúc đẩy các chuyên ngành khác phát triển như: miễn dịch, giải phẫu bệnh, gây mê hồi sức...