Việt Nam “đang đi đúng hướng” trong giải quyết nợ xấu

Một bài viết trên báo Wall Street Journal cho rằng, Việt Nam đang đương đầu với áp lực lớn từ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nhưng đã đi đúng hướng để giải quyết vấn đề.
Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Chính phủ cho biết, giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng

> Nợ cũ lãi cao

“Chính phủ Việt Nam đang đối mặt với áp lực phải tìm cách để giảm lượng nợ xấu gia tăng trong các ngân hàng.

Tình hình nợ xấu của Việt Nam đã làm gia tăng lo ngại những vấn đề chất lượng vốn vay sẽ gia tăng ở các quốc gia khác tại châu Á”, bài viết mang tựa đề “Bank’s bad debts weigh on Vietnam” (tạm dịch: “Nợ xấu của các ngân hàng đang đè nặng lên Việt Nam”) của hai tác giả Nguyen Pham Muoi và Natasha Brereton-Fukui đăng trên báo Wall Street Journal ngày 14-6 mở đầu.

Theo bài viết, cũng giống như nhiều nước châu Á khác, Chính phủ Việt Nam đã đổ một lượng vốn lớn để kích thích nền kinh tế trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Giờ đây, ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức vay vốn gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, theo đó làm gia tăng những lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu trước Quốc hội rằng, Chính phủ đang dự định thành lập một công ty mua nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) để giải quyết vấn đề.

“Trong khi đó, số liệu từ Bộ Tài chính được báo chí trong nước trích dẫn cho thấy, các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam thiếu khả năng thanh toán 20-30% trong tổng số 415 nghìn tỷ đồng đã vay từ các ngân hàng.

Tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã đạt mức 280 nghìn tỷ đồng, tương đương 11% GDP, theo báo chí trong nước”, Wall Street Journal viết.

Đáng chú ý, bài báo cho biết: “Một số nhà phân tích cho rằng, những vấn đề mà Việt Nam - từng một thời là nền kinh tế tăng trưởng nóng ở Đông Nam Á - gặp phải hiện nay là “độc nhất vô nhị”.

GDP của Việt Nam trong quý 1 năm nay chỉ tăng 4%, từ mức trung bình 7,7% trong thời gian 2003-2008. Không giống như các nước châu Á khác, Việt Nam có thâm thụt thương mại lớn, theo đó gây áp lực giảm giá đối với đồng nội tệ, làm gia tăng mức độ bất ổn kinh tế”.

Cũng theo bài báo, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế, như một đầu tàu tăng trưởng.

Chính sách tín dụng cởi mở của Việt Nam đã góp phần đẩy lạm phát vượt ngưỡng 20% trong năm ngoái, cao hơn nhiều so với ở các nước châu Á khác.

Tuy nhiên, “nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng, Việt Nam đang có những bước đi cần thiết để giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế đang đối mặt”, Wall Street Journal cho biết.

Trong năm qua, Việt Nam đã cam kết cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và thắt chặt tín dụng đáng kể, giúp làm giảm lạm phát xuống mức 8%.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 giảm còn 10,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình 35% trong thời gian 2006-2010, quãng thời gian mà dư nợ tín dụng so với GDP của Việt Nam vọt lên mức 125% từ mức 71% trước đó - bài báo đưa ra các số liệu để dẫn chứng về việc Việt Nam đang đi đúng hướng để giải quyết vấn đề.

Gần đây, Việt Nam đã nhiều lần cắt giảm lãi suất, cách làm có thể giúp cho một số đối tượng vay vốn được đảo nợ.

Việt Nam “đang đi đúng hướng”, ông Guy Stear, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ngân hàng Societe Generale của Pháp, nhận xét.

Tuy nhiên, ông Stear cho rằng, nợ xấu của Việt Nam có thể “báo trước cho những rắc rối xảy đến ở các nước khác trong khu vực”.

“Châu Á nói chung đang kết thúc chu kỳ cho vay và tỷ lệ nợ xấu đang ở mức thấp của chu kỳ. Tỷ lệ này có thể gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế châu Á trong vòng hai năm tới”, ông Stear phát biểu.

Ngoài ra, theo Wall Street Journal, một số chuyên gia cũng lo ngại về việc nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu một khi cuộc khủng hoảng này làm suy yếu nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nếu xảy ra, điều này sẽ càng gây khó khăn cho Việt Nam trong nỗ lực giải quyết nợ xấu.

Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Chính phủ cho biết, giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng. Chính phủ cũng cho biết, sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập một công ty mua bán nợ xấu, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia tài chính.

Tuy nhiên, bài báo cho biết, một số nhà phân tích vẫn nghi ngại về khả năng thành công của chiến lược giải quyết nợ xấu mà Chính phủ đưa ra, xét đến số vốn tương đối nhỏ mà công ty mua bán nợ có được.

“Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng có vẻ như đang được thực thi chậm chạp, trong khi Chính phủ Việt Nam khó có đủ khả năng để hỗ trợ cả hệ thống ngân hàng do quy mô lớn của hệ thống này”, ông Christian de Guzman, chuyên gia phân tích về nợ quốc gia tại hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service, nhận xét.

Theo Wall Street Journal, vấn đề nợ xấu của Việt Nam xuất phát một phần từ hoạt động đầu tư ngoài lĩnh vực chính của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình mở rộng thái quá của các công ty này.

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một ví dụ điển hình, đã nhảy vào những lĩnh vực như sản xuất bia, xây resort…

Một lượng vốn tín dụng quá lớn trong nền kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản ở Việt Nam những năm gần đây, và bong bóng này đến nay đã bắt đầu xì hơi, bài báo nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR), tình hình nợ xấu của Việt Nam hiện nay là nghiêm trọng, nhưng không phải tất cả các khoản nợ xấu đều không thể phục hồi.

“Trong thời gian 2012-2015, tôi cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục và các ngân hàng rồi sẽ khôi phục lại được một phần nợ xấu”, ông Thành nói.

Theo An Huy
vneconomy.vn

Theo Đăng lại