Cuộc hội kiến diễn ra nhân dịp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương. Tổng thống Ram Nath Kovind cảm ơn và đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân; thúc đẩy trụ cột hợp tác quốc phòng-an ninh hiệu quả và thực chất hơn nữa; tạo thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế, thương mại và đề ra các biện pháp đột phá để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các gói hỗ trợ phát triển, tín dụng ưu đãi trên nhiều lĩnh vực.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư
Trước đó, ngay sau khi đến thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ đang triển khai các dự án hợp tác, đầu tư tại Việt Nam gồm: Tập đoàn Tata, Larsen & Toubro (L&T), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC), vDoIt.
Tata Power, công ty sản xuất điện lớn nhất Ấn Độ với nhiều lĩnh vực năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời…), đang triển khai phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Long Phú 2 tại Sóc Trăng và một số dự án trong các lĩnh vực khác. Tại buổi tiếp ông Anil Sardana, Giám đốc điều hành Tata Power, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho các hoạt động đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tata thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở tuân thủ quy luật của cơ chế thị trường và các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống của người dân.
Larsen & Toubro (L&T), tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, công nghệ, xây dựng, công nghiệp chế tạo, tài chính, đang triển khai nhiều dự án liên quan công nghệ cao, đóng tàu tuần tra tại Việt Nam. Tiếp ông Subramanyan, Giám đốc điều hành L&T, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn thi công, sản xuất các dự án đóng tàu tại Việt Nam với chất lượng cao nhất và giá thành thấp nhất. Cùng với đó, Tập đoàn cần kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực để tiến tới chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Việt Nam hiện có nhu cầu đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió...
Ông Subramanyan thông báo về những dự án hợp tác thành công với các doanh nghiệp, cơ quan của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đóng tàu phục vụ hoạt động tuần tra của lực lượng biên phòng trên biển. Lãnh đạo L&T cũng cho biết rất quan tâm đến các dự án xây dựng metro tại Việt Nam và mong muốn được tham gia đầu tư thi công các dự án này.
Tiếp ông Narendrea Verma, Giám đốc điều hành ONGC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn ONGC tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, mở rộng ra hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu thô tại thị trường nước thứ 3, cũng như các hoạt động sản xuất, chế biến sâu. Ông Verma cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Sudheer Pandharpurkar, Chủ tịch vDoIT, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chính phủ điện tử. Thủ tướng hoan nghênh vDoIT triển khai dự án Ngôi làng thông minh tại Việt Nam và cho rằng nếu dự án được triển khai thành công ở Việt Nam sẽ giúp cải thiện đời sống người dân nông thôn. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến dự án này vì phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; đề nghị vDoIT mở rộng đầu tư dự án này ra các tỉnh Thái Bình, Đồng Tháp và Ninh Thuận.
Chủ tịch vDoIT cho biết đang triển khai dự án Ngôi làng thông minh tại 43 ngôi làng tại Hà Nam và Ninh Bình. Với Ngôi làng thông minh, dự án sẽ triển khai gói dịch vụ và gói giải pháp về giáo dục, y tế từ xa; phát triển nguồn nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao…
Về một số khó khăn, vướng mắc các tập đoàn nêu tại buổi gặp liên quan giải phóng mặt bằng, nâng mức bảo lãnh ngoại tệ, xử lý hợp đồng đối với các lô dầu khí có tiềm năng thấp…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao các cơ quan liên quan của Việt Nam giải quyết, trả lời trong thời gian sớm nhất.
Theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối muộn hôm qua hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ.