Vì sao xây nghĩa trang gần trường đại học?

TP - Việc dự án nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La được quy hoạch tại khu Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La khiến nhiều người bức xúc.
Khu đất quy hoạch của ĐH Tây Bắc và đất quy hoạch nghĩa trang của thành phố Sơn La chỉ cách nhau 1 con ngõ nhỏ. Ảnh: Nghiêm Huê

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La. Đây là nghĩa trang đa hình táng (cát táng, hung táng, hỏa táng). Tuy nhiên, ngày 10/11/2020, UBND tỉnh Sơn La quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết nghĩa trang này: chuyển từ nghĩa trang đa hình táng thành nghĩa trang cát táng gắn với công trình hỏa táng.

Ông Đoàn Đức Lân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tây Bắc nói rằng, vị trí xây dựng nghĩa trang rất gần khu dân cư Bản Khoang, xã Chiềng Ngần, cũng như khu quy hoạch của Trường ĐH Tây Bắc, gần Trường Tiểu học Quyết Tâm, gần với đất quân sự của  Tiểu đoàn K4.

Khảo sát thực địa của phóng viên cũng cho thấy, nếu tính khoảng cách trên bản quy hoạch trường ĐH Tây Bắc của UBND thành phố Sơn La năm 2004 thì khu vực nghĩa trang sát vách khu đất này; khoảng cách chỉ được tính bằng một con ngõ nhỏ. Theo ông Lân, hiện nay, khu ký túc xá ĐH Tây Bắc chỉ cách vị trí xây dựng nghĩa trang 700m.

Khu ký túc xá hiện có 1.300 học sinh trường Tiểu học, THCS, THPT Chu Văn An (trường liên cấp trực thuộc ĐH Tây Bắc), sinh viên của trường đang lưu trú cùng với hơn 600 lưu học sinh Lào. “Việc xây dựng nghĩa trang sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của người dạy và người học tại đây”, ông nói. Theo ông, 100% cán bộ, giảng viên, đại diện Hội Sinh viên của trường khi được hỏi ý kiến đều không đồng ý việc xây dựng nghĩa trang cạnh trường.

Lãnh đạo thành phố lý giải

Làm việc với báo chí, ông Đỗ Đức Trụ, Chủ tịch UBND thành phố Sơn La nói rằng, nghĩa trang nhân dân hiện nay cách UBND thành phố khoảng 4-5km, quỹ đất dành cho người đã khuất gần như không còn. Do đó, thành phố đã rà soát từ năm 2016 các khu vực trong và ven thành phố.

Sau khi rà soát 6 điểm thì thấy chỉ có khu bản Buổn, Chiềng Khơi đáp ứng đủ các tiêu chí đặt ra. Theo ông Trụ, thời gian qua, UBND thành phố Sơn La đã tổ chức các hội thảo; các chuyên gia đã đưa ra ý kiến phản biện và cuối cùng quyết định lựa chọn khu vực bản Buổn với lòng trũng là 20ha và có thể tiến lên cao theo thế núi là 20ha nữa.

UBND thành phố đã tính toán các tác động của nghĩa trang mới đến nguồn nước, vấn đề khí thải, tiếng ồn và tâm linh. Trước câu hỏi tại sao UBND thành phố lại chọn đặt nghĩa trang trong trung tâm thành phố, ông Trụ nói rằng, mỗi địa phương có đặc thù riêng; do địa hình đặc biệt nên khảo sát 6 vị trí chỉ có 1 vị trí đáp ứng được các điều kiện. Vì nghĩa trang trong nội thị nên UBND thành phố lựa chọn công nghệ hỏa táng hiện đại của Na Uy, Thuỵ Điển, đồng thời có những khoảng đệm xanh, ông nói.

Theo ông, thời gian tới, UBND thành phố Sơn La sẽ thành lập hội đồng đánh giá độc lập toàn diện các vấn đề từ tác động môi trường đến tác động văn hóa, tâm lý. Nếu kết quả đánh giá cho thấy có tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân xung quanh khu vực dự kiến đặt nghĩa trang thì UBND thành phố sẽ điều chỉnh lại quy hoạch.

Về phía Bộ GD&ĐT, trước ý kiến của ĐH Tây Bắc (một trong những trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La. Bộ GD&ĐT khẳng định việc xây dựng nghĩa trang và lò hỏa táng tại khu vực giáp ranh với Trường ĐH Tây Bắc là không phù hợp, ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường, và đặc biệt ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, môi trường học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên, đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai phát triển của nhà trường.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh Sơn La dừng triển khai dự án và xem xét có phương án điều chỉnh vị trí xây dựng nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La tại địa điểm khác, phù hợp, không làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm lý, môi trường giáo dục, đào tạo của ĐH Tây Bắc.    

Trao đổi với phóng viên, lưu học sinh  Lào Sen Sụ Văn Na Vông, lớp K58 ngành Kinh tế, Trường ĐH Tây Bắc nói rằng, việc nghĩa trang ở rất gần như thế sẽ ảnh hưởng tâm lý của người sống.  Sen Sụ Văn Na Vông thông tin, tập thể lưu học sinh Lào đang học tập tại ĐH Tây Bắc đã có đơn gửi Đại sứ quán, UBND tỉnh  Sơn La về việc này.