Hài hoà lợi ích
Ông Nguyễn Tiến Thỏa nói: Một số chuyên gia dựa vào giá xăng dầu nhập khẩu những ngày gần đây để tính toán nên dẫn đến số liệu không khớp.
Trong khi đó, tính toán của cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều phải theo Nghị định 84, tức là theo chu kỳ 30 ngày.
Việc tăng hay giảm phải căn cứ vào yếu tố hình thành giá chứ không phải căn cứ vào tâm lý và không thể lấy giá xăng dầu thành phẩm 1,2 ngày gần đây để tính doanh nghiệp lãi bao nhiêu được.
Nếu theo cách tính 30 ngày, từ 9-4 đến 8-5, thì giá xăng dầu thành phẩm giảm 2,78 đến 4,69%. Cụ thể, giá xăng nếu tính trung bình 30 ngày thì chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán là 828 đồng/lít; Dầu Diesel giảm 616 đồng/lít.
Tất nhiên, chúng tôi rất muốn giảm giá hết mức 828 đồng/lít nhưng vì thuế nhập khẩu bằng 0% đã quá lâu. Khi giá thế giới giảm theo nguyên tắc phải điều chỉnh theo thứ tự: thuế, quỹ bình ổn giá và giảm giá theo điều kiện.
Nhưng lần này để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng, cơ quan chức năng quyết định xử lý theo hướng khôi phục dần mức thuế lên 2% (thuế xăng nhập khẩu tối đa là 20%).
Việc khôi phục thuế là cần thiết, vì chỉ có như vậy Nhà nước mới có nguồn lực tài chính thực hiện bình ổn khi giá thế giới tăng cao, trong khi dự báo từ nay tới cuối năm, xăng dầu khả năng còn biến động.
Nhưng tính giá cơ sở thấp hơn giá bán 828 đồng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp đã có lãi lớn rồi, thưa ông?
Thực ra trong công thức tính giá cơ sở đã dành cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Ngoài ra chi phí kinh doanh cũng được tính là 600 đồng/lít. Nếu doanh nghiệp nào tổ chức mạng lưới tốt, tiết kiệm được chi phí thấp hơn 600 đồng, thì hưởng lãi.
Mục đích đặt ra các khoản này là để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngoài những khoản nói trên thì việc chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán, như tính ở trên là 828 đồng/lít, có thể trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn Nhà nước chưa điều tiết.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế không phải giá thế giới giảm, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay. Với kinh doanh xăng dầu thì kể cả mua được ở thời điểm giảm, cũng mất 10 - 15 ngày người ta mới nhập về đến nơi.
Do vậy, lỗ lãi thật của doanh nghiệp không thể căn cứ trên việc giá giảm giá tăng, mà phải tính toán dựa trên kết quả kinh doanh cụ thể, nhập ngày nào, xuất ngày nào.
Sẽ sửa cơ chế điều hành
Thưa ông, cơ chế điều hành giá xăng theo Nghị định 84 bị coi là bất hợp lý, khiến việc điều hành giá xăng luôn bị kêu là tăng nhanh- giảm chậm, vì sao chưa sửa?
Nghị định sửa thế nào phải có những tính toán và phân tích cụ thể. Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương và Bộ Tài chính làm việc này. Sắp tới chúng tôi sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp, thành lập tổ soạn thảo.
Ngoài những nội dung trên, cũng cần lưu ý một số điểm khác như sửa đổi việc đại lý chỉ được lấy nguồn từ một đầu mối, đặt quỹ bình ổn giá ở đâu… Về thời gian tính giá, 30 ngày quả là hơi dài. Nhưng thay bằng 10 hay 20 ngày cần phải có đánh giá.
Về mức hoa hồng: trước đây đặt ra mức 600 đồng để tạo cạnh tranh, các DN có thể giành giật thị trường nhưng thực tế có đơn vị nâng lên mức 1.000 đồng/lít. Tôi cho rằng, nên tính theo phần trăm của tổng mức kinh doanh, điều này giúp doanh nghiệp cạnh tranh hơn.
Về quỹ bình ổn giá, cần cân nhắc vì trước để ở DN để họ chủ động, tránh cơ chế xin cho nhưng nay cũng phải suy nghĩ. Có ý kiến cho là nên tập trung ở Kho bạc Nhà nước.
Sắp tới chúng tôi sẽ mời doanh nghiệp đầu mối họp để đánh giá toàn diện về nghị định 84 và thành lập tổ biên tập theo đúng quy định để hoàn thiện công việc này.
Tăng giá xăng dầu thường gây hiệu ứng làm tăng giá các mặt hàng. Lần giảm này sẽ tác động ra sao tới giá cả ?
Tăng tác động hai vòng trực tiếp và gián tiếp, giảm cũng vậy. Giảm 500 đồng/lít xăng, tức là khoảng 3% trong đó chi phí xăng dầu chiếm trong vận tải là 40%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá xăng dầu giảm 300 đồng - 500 đồng/lít vào tối qua (9-5) sẽ tác động làm giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 0,2441%.
Tất nhiên, yếu tố giảm giá còn liên quan đến việc xử lý lãi suất trong điều kiện giảm.
Sẽ điều chỉnh giá điện
Về giá điện, ông Nguyễn Tiến Thoả, cho biết: Tính đến đầu tháng 5 thì các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng có nhiều biến động. Những yếu tố này làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng một kWh.
Ngoài ra cũng phải tính đến việc phân bổ dần các khoản “treo” từ trước như lỗ do chênh lệch tỷ giá (15.463 tỷ đồng), chênh lệch do mua điện giá cao (8.040 tỷ đồng) nên giá điện sắp tới sẽ phải xử lý.
Tuy nhiên, xử lý ở mức độ nào thì đơn vị kinh doanh phải lập phương án. Nếu mức điều chỉnh hợp lý và dưới 5% thì doanh nghiệp có thể tự quyết. Nếu cao hơn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ phải cho ý kiến. Ngoài ra, các mặt hàng như than, nước… cũng sẽ điều hành giá theo lộ trình.
* Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài Chính): Động thái giảm giá xăng dầu ngày 9-5 là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, lên xuống đều nhịp với giá thế giới thì cần rút ngắn thời gian dự trữ lưu thông 30 ngày, bởi đây chính là bất cập khiến cho giá xăng, dầu tăng và giảm đều khó, trong khi giá thế giới thường biến động liên tục.
* Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Lần giảm giá này có tác dụng tâm lý là chính, tuy nhiên cũng rất tốt. Xét về mặt cơ học hai lần tăng trước đã thêm cho giá xăng tới 3.000 đồng/lít, trong khi mức giảm lần này chỉ có 500 đồng/lít thì về mặt kinh tế cũng không ăn thua.
Dư luận cũng như người tiêu dùng mong đợi cơ quan quản lý phải điều hành tăng, giảm giá xăng dầu linh hoạt hơn.
K.Huyền
lược ghi