Vì sao Quảng Ninh liên tiếp 2 năm giành quán quân năng lực cạnh tranh?

TP - Từ tỉnh có điểm số thấp trong bảng xếp hạng PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Quảng Ninh đã làm gì để bứt phá “thần kỳ” và liên tục trong 2 năm giành ngôi vị quán quân?
Mô hình Trung tâm hành chính công của Quảng Ninh đang phát huy tác dụng lớn đối với người dân và doanh nghiệp

Nhanh nhưng không vội

Nằm phía Đông Bắc, nơi địa đầu Tổ quốc, cách đây 10 năm, khi nhắc đến Quảng Ninh nhiều người chỉ biết đến đây là “vựa than” lớn nhất cả nước. Từ Hà Nội xuống Quảng Ninh chỉ cách hơn 150km, nhưng để di chuyển được ít nhất cũng phải mất nửa ngày ngồi xe. Quảng Ninh còn “xa lạ” ngay cả với người bạn “hàng xóm” Hải Phòng.

Xác định tiềm năng phát triển kinh tế cùng với những hướng đi đúng, chỉ trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã trở thành một “ngôi sao” kinh tế của miền Bắc trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những thay đổi “thần kỳ” đang diễn ra hàng ngày tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới của vùng than Đông Bắc.

Điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được trong những năm gần đây, đó là “dám nhìn thẳng sự thật”. Từ một tỉnh có nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào than. Những thành phố, huyện thị nào có than, những nơi đấy mới phát triển, người dân mới có công ăn việc làm ổn định. Nhưng trái lại, nhiều huyện thị miền núi đa số người dân vẫn nằm trong diện nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Một bước chuyển biến mạnh mẽ khi Quảng Ninh quyết định chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh (khai thác khoáng sản, công nghiệp chuyển dần sang phát triển du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn). Dựa trên tiềm năng du lịch sẵn có, Quảng Ninh đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư hàng đầu, hàng loạt công trình chiến lược được triển khai nhanh chóng.

Giờ đây, Quảng Ninh đang là một trong những tỉnh có cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, quy mô và đồng bộ nhất cả nước. Từ sân bay, cảng biển, cảng tàu khách, đường cao tốc đều được xây dựng mới hoàn toàn, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển toàn diện.

Để làm được điều này, toàn hệ thống chính quyền từ cấp xã trở lên đều phải vào cuộc ráo riết và đồng lòng. Đề án 25 (nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch) đang phát huy sức mạnh, các trung tâm hành chính công từ tỉnh đến huyện đều thể hiện sự nhất quán và tạo thuận lợi cho người dân cũng như DN.

“Trước đây, riêng việc xin chủ trương đầu tư hoặc thực hiện được các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước, DN nhỏ như chúng tôi phải nhờ vả, chạy chọt không ít cửa mới có thể lọt qua được. Nhưng vài năm gần đây, chính sách mở cửa với DN của Quảng Ninh đang là lợi thế phát triển. Chỉ cần đúng luật, đúng quy định, tất cả mọi DN đều có cơ hội cạnh tranh công bằng” - Ông Nguyễn Đức Sáng, Giám đốc DN Hoàng Phong, phường Hà Lầm, TP Hạ Long cho biết.
Để có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Quảng Ninh đều nhờ có sự góp mặt của các DN. Chính sách kêu gọi đầu tư, mở cửa và phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho DN khi đến với Quảng Ninh đã kéo những mũi nhọn đi đúng hướng “nhanh nhưng không vội”.

Phát triển bằng nội lực

Sau 13 năm tham dự bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên trở thành tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. PCI dẫn đầu cả nước với 7 chỉ số thành phần tăng điểm (gồm: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự).

Xác định không ngủ quên trên chiến thắng, Quảng Ninh đã không ngừng cố gắng cải thiện các chỉ số thành phần, đặc biệt là chỉ số chưa đạt yêu cầu đề ra. Cùng với đó, Quảng Ninh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... Đối với các địa phương trong tỉnh, Quảng Ninh còn có “sân chơi” riêng - đó là nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI).

Với những nỗ lực của mình, năm 2018, Quảng Ninh hoàn thành vượt 11/11 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 11,1%, cao nhất so với 6 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất từ trước tới nay, đạt 40.500 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, thu nội địa đạt 30.500 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2017.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch có sự chuyển dịch hết sức tích cực, đúng hướng, Quảng Ninh thu hút 12,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, mức cao kỷ lục từ trước đến nay; doanh thu du lịch đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.

Năm 2018 lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa chỉ số SIPAS (kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) vào bộ chỉ số cải cách hành chính. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh triển khai thực hiện đánh giá cải cách hành chính đối với các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn gồm: Công an, Hải quan, Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước.