Bất chấp sự phản đối từ nhiều nước, từ giới chính trị đối lập, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra nương tay đối với giới chức Ả rập Xê út, một đồng minh thân cận của Washington ở khu vực Trung Đông, bởi lý do căn bản là những hợp đồng vũ khí béo bở. Cái chết của nhà báo lưu vong người Ả rập Xê út Jamal Khashoggi dù có những tình tiết rùng rợn, gây phẫn nộ khắp thế giới, cũng không thể quan trọng đối với ông Trump, hay đằng sau là các tập đoàn vũ khí khổng lồ của Mỹ bằng mối quan hệ hữu hảo với giới cầm quyền ở Riyadh.
Theo đài truyền hình CNN, một số nước đã hạn chế bán vũ khí cho Ả rập Xê út kể từ khi nước này bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào Yemen từ năm 2015, một cuộc chiến mà LHQ mô tả là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất do con người tạo ra.
Đã có nhiều lời kêu gọi hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Ả rập Xê út, đặc biệt ở châu Âu, từ khi xảy ra vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi tháng trước. Ông Trump, tuy vậy thường xuyên viện dẫn các hợp đồng vũ khí béo bở với Ả rập Xê út để nương tay với nước này, bất chấp lời kêu gọi từ nhiều phía yêu cầu Washington trừng phạt Riyadh.
Đan Mạch và Phần Lan hôm thứ Năm vừa qua trở thành những nước mới nhất đình hoãn các thỏa thuận bán vũ khí với Ả rập Xê út. Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói họ đóng băng các thỏa thuận mới vì hai lý do, thứ nhất là vụ Khashoggi và thứ hai là (các cuộc không kích) Yemen. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phần Lan chỉ nêu nguyên nhân là vấn đề liên quan đến Yemen. Phần Lan cũng cấm các hợp đồng mua bán vũ khí mới với Các tiêu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), một bên thuộc liên minh do Ả rập Xê út đứng đầu tham gia cuộc xung đột ở Yemen.
Trước đó hai ngày, Đức tuyên bố dừng toàn bộ hợp đồng chuyển giao vũ khí cho Ả rập Xê út.
Đan Mạch và Phần Lan không phải là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Ả rập Xê út, nhưng Đức có vai trò rất quan trọng. Berlin vốn đã đình lại các hợp đồng mới nhưng hôm thứ Hai vừa rồi đã mở rộng lệnh cấm tới cả những hợp đồng đang thực hiện.
Câu hỏi đặt ra là Ả rập Xê út còn những nguồn vũ khí nào. Thường thì những hợp đồng dạng này được thực hiện bí mật hoặc chỉ công khai ở mức độ rất thấp. Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã tìm cách theo dấu các hợp đồng vũ khí chính và dự liệu nhập khẩu vũ khí của Ả rập Xê út trong 10 năm qua cho thấy Mỹ là nhà cung cấp số 1, tiếp theo là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Nhưng khá nhiều nhà xuất khẩu vũ khí cho Ả rập Xê út dù vẫn bán hàng nhưng đã giảm đáng kể số lượng trong vài năm trở lại đây. Ví dụ Anh, chuyển giao số vũ khí trị giá 843 triệu USD trong năm 2016 nhưng đã giảm còn 436 triệu USD trong năm 2017, theo SIPRI (đã loại trừ các yếu tố lạm phát).
Người Pháp xuất khaảu 174 triệu USD trong năm 2015 nhưng giảm còn 91 triệu USD trong năm 2016 và tới 2017 còn 27 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ vượt xa so với các đối thủ còn lại. Mặc dù nhiều thị trường giảm xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí của Ả rập Xê út vẫn tăng 38% trong giai đoạn 2016 và 2017. Nguyên nhân chính là thị trường Mỹ đã tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu, từ 1,8 tỷ USD lên 3,4 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Đức cũng tăng xuất khẩu từ 14 triệu USD lên 105 triệu USD (giai đoạn 2016-2017), cho dù nước này dự kiến xuất khẩu thấp hơn rất nhiều trong năm nay do quyết định đình hoãn mới đây.
Tính chung , không nước nào bén gót Mỹ trong việc cung cấp vũ khí chính cho Ả rập Xê út. Trong 5 năm qua, Mỹ chiếm 61% lượng vũ khí chính xuất khẩu cho Ả rập Xê út. Anh đứng thứ hai nhưng kém xa, ở mức 23%, trong khi Pháp, dù đứng thứ ba, chỉ có 4%.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba vừa rồi, ông Trump nói đình hoãn các hợp đồng vũ khí chính với Ả rập Xê út là điều ngu ngốc và “Nga và Trung Quốc sẽ là những bên hưởng lợi lớn” nếu nước Mỹ của ông ta dừng các hợp đồng mua bán.
Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc có xuất khẩu một số lượng không đáng kể vũ khí tới Ả rập Xê út, nhưng đang tăng dần. Nga xuất khẩu ít đến mức không được SIPRI kể đến.
Pieter Wezeman, nhà nghiên cứu kỳ cựu của SIPRI nói Trung Quốc đang tìm cách đặt chân vào thị trường vũ khí béo bở của Ả rập Xê út. “Đặc biệt là họ đang bán được các máy bay không người lái có trang bị vũ khí”, ôngWezeman nói.