Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường:

Vì sao doanh nghiệp đồng thuận, cơ quan quản lý chần chừ?

Tại cuộc họp mới đây do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì, các Bộ ngành có liên quan, các doanh nghiệp sữa đã thống nhất về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất bắt buộc bổ sung. Tuy nhiên, thông tư hướng dẫn vẫn chưa biết bao giờ được ban hành do sự chần chừ từ Bộ Y tế.
Vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, nhất là lứa tuổi học đường

Nỗi lo thiếu vi chất

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mặc dù, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm khá nhanh và bền vững, song vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao còn thấp ở thanh niên Việt Nam.

Trước thực trạng này, trong văn bản gửi Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em (Bộ Y tế), Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chính thức đề xuất 21 loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.

Theo bà Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các vi chất được bổ sung trong Sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo nhiều nguyên cứu, bữa ăn của người Việt đang thiếu vi chất nên cần thiết bổ sung 21 vi chất.

Trong cuộc họp mới đây tại Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang cũng cho biết, hiện tại có hơn 30 loại vi chất khác nhau được bổ sung vào sữa những vẫn còn thiếu, do vậy trong sữa học đường nên bổ sung đa vi chất. “Tôi đề xuất bổ sung bắt buộc 21 loại vi chất vào sữa học đường theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia”, ông Giang nói.

Doanh nghiệp sốt ruột chờ Bộ ban hành thông tư

Để hoàn thiện quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư về nội dung này. Tại cuộc họp, các Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ Y tế cùng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa khác như TH Truemilk, Vinamilk, Nuti, Cô Gái Hà Lan, Ba Vì, Đà Lạt milk, đã thống nhất và có sự đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và 21 vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung. Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông báo số 690/TB-BYT thông báo Kết luận của Thứ trưởng Trương Quốc Cường với các nội dung: Về các loại sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường: Gồm hai 2 loại là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng.

Đặc biết, đối với các vi chất dinh dưỡng, để đảm bảo thực hiện 4 chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, bắt buộc đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cũng nêu quan điểm, cái gì tốt nhất cho trẻ em thì cần sớm triển khai. Theo ông Đề, sau hơn 3 năm triển khai chương trình sữa học đường trên toàn quốc mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó có tỉnh mới chỉ xây dựng kế hoạch. “Thực tiễn triển khai chương trình rất khó khăn, quan điểm tốt nhất dành cho trẻ em thì phải bắt buộc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường”, ông Đề nói.

Trong thông báo kết luận, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã giao Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em làm đầu mối phối hợp Cục An toàn Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng và Vụ Pháp chế tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư. Ông Cường cũng lưu ý các đơn vị trong bộ về tiến độ hoàn thành văn bản.

Tuy nhiên, đã một tháng trôi qua kể từ ngày cuối cùng mà Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhận ý kiến đóng góp từ các đơn vị, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư chính thức. Các địa phương thì đang chờ đợi Thông tư để triển khai các chương trình sữa học đường theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao. Sự chần chừ của Bộ Y tế khi năm học mới đang đến gần đã gây khó cho các doanh nghiệp và địa phương chuẩn bị triển khai chương trình sữa học đường do không có sự hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc.