Theo ông Nguyễn Văn Huyện, trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có 43 trạm thu giá đường bộ, trong đó có 38 trạm đang tổ chức thu giá sử dụng đường bộ. Trên các tuyến quốc lộ khác có 45 trạm thu giá, trong đó có 32 trạm đang thu, 13 trạm chưa thu, 8 trạm dự kiến không triển khai.
Ngoài ra, trên hệ thống đường cao tốc có 12 hệ thống thu giá kín, trong đó 7 hệ tuyến cao tốc đã đưa vào vận hành khai thác, 5 tuyến đang triển khai thực hiện đầu tư…
Theo ông Huyện, tới ngày 10/5, đã có 544.000 ô tô dán thẻ thu giá sử dụng đường bộ không dừng, bình quân 40.000 thẻ/tháng. Trong đó, có 164.800 thẻ chủ xe đã nộp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ (chiếm khoảng 30% số thẻ được dán).
“Khó khăn nhất hiện nay trong việc triển khai thu giá đường bộ không dùng là không có lộ trình bắt buộc các phương tiện dán thẻ đầu cuối, nên phát triển thẻ chậm. Đồng thời, các trạm thu giá không dùng chưa triển khai đồng bộ nên hiệu quả khai thác thu giá không dừng chưa cao”, ông Huyện đánh giá.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã có Quyết định 07/2017 triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, dư luận cũng rất đồng tình. Vì vậy, phần còn lại là nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.
“Nếu chậm khâu nào, cán bộ lãnh đạo khâu đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Bộ không bao che cho doanh nghiệp, cán bộ không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu”, ông Thể nói.
Ông Thể yêu cầu, cơ cơ quan của bộ muộn nhất đến tháng 7/2018 phải ban hành được Thông tư hướng dẫn thực hiện triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng.