Nguyên nhân bác sĩ khuyến nghị không nên tự kiểm tra ung thư vú

TPO - Tự kiểm tra vú từng được khuyến nghị như một phần của việc tầm soát ung thư vú thường xuyên. Dưới đây là lý do tại sao các hướng dẫn đã thay đổi và các chuyên gia khuyên bạn nên làm gì để thay thế.

Các bác sĩ hiện nay khuyên nên "tự nhận thức về ngực" thay vì tự kiểm tra chính thức theo một quy trình từng bước cụ thể. (Ảnh: PonyWang)

Gần bốn năm trước, Becca Brown, 41 tuổi ở Burlington, Vermont, nhận thấy một khối u to bằng quả nho ở bên ngực khi cô đang chuẩn bị đi ngủ. Xét nghiệm theo dõi cho thấy một loại ung thư lây lan nhanh, nhưng phát hiện sớm khiến khối u phản ứng tốt hơn với phương pháp điều trị và cuối cùng, Brown đã khỏi bệnh.

"Ngay cả khi bạn phát hiện ra điều gì đó nhỏ, bạn cũng phải đi khám. Và điều quan trọng là phải biết 'đường đi nước bước' trên ngực của bạn để bạn có thể biết liệu có điều gì bất thường không",Brown chia sẻ

Các chuyên gia thường khuyến cáo những người có nguy cơ mắc ung thư vú nên tự kiểm tra vú, bao gồm việc kiểm tra vú thường xuyên bằng mắt và bằng cách chạm vào để xem có bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào không. Những lần kiểm tra này, tuân theo một quy trình cụ thể, cũng được khuyến khích rộng rãi trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú.

Tuy nhiên hiệnnay, các bác sĩ thực sự ủng hộ việc không nên tự kiểm tra. Sau đây là lý do tại sao các khuyến nghị lại thay đổi và những điều mà các chuyên gia hiện khuyên bạn nên làm.

Sự chuyển đổi từ việc tự kiểm tra vú sang tự nhận thức

Theo một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ, nhiều phụ nữ tự phát hiện ra ung thư vú, ước tính có 25% phát hiện ra khối u bằng cách tự kiểm tra có chủ đích và 18% phát hiện ra một cách tình cờ.

Tuy nhiên, việc tự kiểm tra vú không còn được khuyến khích ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình, nghĩa là nguy cơ của họ không cao do di truyền hoặc tiền sử gia đình. Lời kêu gọi này được đưa ra bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, bao gồm Lực lượng đặc nhiệm dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ và Cao đẳng sản phụ khoa Hoa Kỳ .

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, việc tự kiểm tra vú đã dẫn đến tỷ lệ cho kết quả dương tính giả cao hơn, nghĩa là các xét nghiệm cho thấy họ bị ung thư nhưng thực tế không phải vậy.

Đồng thời, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Viện Ung thư Quốc gia của Mỹ, sự gia tăng xét nghiệm không làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư.

Điều quan trọng là mục tiêu của bất kỳ sàng lọc nào là phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư và đánh dấu một người để xét nghiệm theo dõi, sau đó có thể đưa ra chẩn đoán chính thức. Dựa trên những phát hiện này, các chuyên gia đã thay đổi khuyến nghị của họ. Thay vào đó, họ hiện khuyến khích bệnh nhân chỉ cần chú ý đến hình dáng và cảm giác thông thường của ngực mình.

Các cuộc kiểm tra vú do bác sĩ thực hiện cũng không còn được khuyến khích để sàng lọc ung thư vú nữa. Tuy nhiên, ở cấp độ cá nhân, một số bác sĩ cho rằng bất kỳ hình thức tự sàng lọc nào - dù là tự kiểm tra chính thức hay chỉ đơn giản là tự nhận thức - đều có lợi ích lớn hơn nguy cơ dương tính giả và xét nghiệm không cần thiết.

"Kết quả dương tính giả và sự lo lắng, bồn chồn liên quan đến việc này là không cần thiết", Tiến sĩ Mehra Golshan , phó giám đốc y khoa phụ trách dịch vụ phẫu thuật tại Bệnh viện Ung thư Smilow và Trung tâm Ung thư Yale ở New Haven, Connecticut cho biết. Golshan cho biết hầu hết những thay đổi được phát hiện thông qua tự kiểm tra hoặc tự nhận thức đều vô hại. Một số bệnh nhân tại phòng khám của ông đã phát hiện ra bệnh ung thư mà chụp hình ảnh thông thường không phát hiện ra.

Thời điểm cần đi khám sàng lọc

Rèn luyện nhận thức về bản thân có nghĩa là thường xuyên chú ý đến hình dạng và cảm giác của ngực, có thể là khi bạn đang tắm hoặc mặc quần áo. Những thay đổi cần chú ý có thể bao gồm các khối u ở vú, mô vú cứng lại, da đổi màu hoặc thay đổi ở các hạch bạch huyết, có thể gây sưng ở nách hoặc quanh xương đòn. Ngoài ra, hãy chú ý đến núm vú bị lõm và tiết dịch ở núm vú. Sự bất đối xứng mới trong hình dạng tổng thể của vú hoặc sự thay đổi đáng chú ý ở một bên vú so với bên kia cũng có thể cần phải kiểm tra theo dõi.

Các bác sĩ cảnh báo rằng, việc tự nhận thức về vú không thể thay thế các phương pháp sàng lọc ung thư vú khác, như chụp nhũ ảnh và chụp cộng hưởng từ (MRI). Bất kỳ thay đổi nào được phát hiện trong những lần khám sàng lọc đều có thể báo ngay cho bác sĩ.

Lực lượng đặc nhiệm dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng bệnh nhân nữ từ 40 đến 74 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú nên chụp nhũ ảnh hai năm một lần.

Học viện sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng việc sàng lọc nên bắt đầu ở độ tuổi 40 và được lặp lại sau mỗi một đến hai năm cho đến khi 75 tuổi. Trong khi đó, Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ đề xuất chụp nhũ ảnh hàng năm cho những người từ 45 đến 54 tuổi và sau đó chụp nhũ ảnh hai năm một lần sau 55 tuổi.

Một số người có thể được hưởng lợi từ việc bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn hoặc từ việc áp dụng các phương pháp sàng lọc khác nhau, tùy thuộc vào tiền sử ung thư gia đình và di truyền của họ.

Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh ung thư nên trao đổi với bác sĩ phụ khoa và cân nhắc tư vấn di truyền để hiểu rõ hơn về nguy cơ của bản thân. Xét nghiệm di truyền có thể xác định những thay đổi trong một số gien nhất định, chẳng hạn như gen BRCA1 và BRCA2 có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn.

Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ bất kỳ thay đổi nào được phát hiện khi tự nhận thức về vú - dù chúng có vẻ nhỏ đến đâu - để loại trừ ung thư hoặc phát hiện bệnh sớm. "Chỉ tìm thấy cục u thôi là chưa đủ. Bạn thực sự phải đi kiểm tra và hành động", nhà nghiên cứu Brown cho biết.

Theo Live Science