Vị doanh nhân với ý tưởng đột phá 10 tỷ USD cho tôm Việt

TP - Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, TGĐ Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam)- người đã đề xuất ý tưởng phát triển ngành tôm Việt Nam hướng đến 10 tỷ USD. Ý tưởng này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ và chỉ đạo có quyết sách đưa ngành tôm cán mốc 10 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Nguyễn Hoàng Anh giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công nghệ phát triển tôm giống của công ty.

Đề xuất trên được ông Hoàng Anh đề cập tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hơn 500 doanh nghiệp (DN), trong khuôn khổ Hội nghị xây dựng nền Công nghiệp Nông nghiệp Việt Nam do DAA Việt Nam tổ chức cuối năm 2016. Ý tưởng táo bạo đó lập tức được nhiều bộ ngành, địa phương quan tâm. Ngay cả “vua tôm” thế giới Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cũng hứng thú, đồng thời đã nhận định, tính toán Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 10 tỷ USD trong tương lai.

Theo ông Hoàng Anh, Việt Nam có đủ các điều kiện để phát triển ngành công nghiệp nuôi tôm, đặc biệt là các chỉ số môi trường phù hợp cho con tôm sinh trưởng. Mặt khác, thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm có dư địa tăng trưởng lớn, không chỉ với hơn 90 triệu dân Việt Nam mà còn với hơn 7 tỷ người trên thế giới. Thực tế, tôm là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam gần đây, với kim ngạch 3-4 tỷ USD mỗi năm, chưa kể giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh cũng chỉ ra nhiều bất cập, cần khắc phục để ngành tôm cất cánh. Trong đó, quy mô diện tích cho nuôi tôm trên cả nước còn nhỏ, manh mún; quy hoạch chưa rõ ràng dẫn đến khó kiểm soát về môi trường, dịch bệnh. Mặt khác, các đơn vị đua nhau làm tôm giống, chất lượng chưa được kiểm soát, “vàng thau lẫn lộn”; nhiều bất cập trong quản lý thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y thủy sản, kháng sinh…và cuối cùng người nuôi lãnh đủ.

Do vậy, để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng cần rà soát chuyển đổi một phần diện tích đất sang nuôi tôm ở các khu vực có lợi thế, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long - nơi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Khi mở thêm diện tích, cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học vào từng mắt xích trong chuỗi giá trị của ngành. Cùng đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để ngành tôm phát triển bền vững… “Nếu thực thi được những vấn đề trên, ngành tôm đạt được 10 tỷ USD không phải là điều viển vông mà hoàn toàn có thật”- ông Hoàng Anh nói.

Quả thật, sau ý tưởng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đồng ý với các đề xuất nói trên. Tại hội nghị về phát triển ngành tôm đầu năm nay, Thủ tướng đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu tôm cả nước đạt 10 tỷ USD.  

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh đã gắn bó với ngành tôm giống hơn 20 năm nay, đã đưa Nam Miền Trung hiện là một trong những đơn vị sản xuất tôm giống lớn nhất Việt Nam. Hiện Công ty đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, quản lý để tạo ra con giống chất lượng tốt nhất phục vụ người nuôi tôm thương phẩm.