Về Yên Tử mùa 'khoác áo cà sa'

TP - Cứ mỗi độ tháng 3, núi rừng Yên Tử (Quảng Ninh) như được khoác lên mình chiếc áo cà sa bởi màu vàng thanh khiết của triệu triệu bông hoa mai vàng khoe sắc giữa non thiêng Yên Tử.
Những cây mai trong dáng nghiêng từ vách núi tỏa xuống tựa như dòng thác vàng.

Đại lão mai vàng

May mắn được trở lại Yên Tử đúng dịp mai vàng đang nở rộ. Anh Thanh, người có thâm niên hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Yên Tử (chúng tôi thường trêu anh là người “gác đền”) dẫn tôi đi một vòng để ngắm mai vàng đang độ đẹp nhất trong năm.

Theo anh Thanh, mai vàng Yên Tử không chỉ là một loài hoa, ngoài vẻ đẹp thanh khiết của nó còn ẩn chứa trong mình cả một kho tàng lịch sử và nhiều triết lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Phải những người tinh tế lắm mới cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo này của hoa mai.

Truyền thuyết kể rằng, khi Đức Phật Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, rời kinh kỳ để về chốn non thiêng Yên Tử, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, Ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên. Dưới bàn tay chăm sóc của các Phật tử, cây mai nhỏ bé ngày nào đã biến thành rừng mai rộng lớn với những đại lão mai vàng có tuổi đời gần 700 tuổi.

Rừng mai ấy nay cứ mỗi độ xuân về lại làm cho Yên Tử càng trở nên linh thiêng, huyền ảo. Màu vàng của hoa mai tôn lên vẻ đẹp khác thường giữa rừng núi. Mỗi bông hoa như những điểm nối giữa chốn huyền không tạo nên một cảnh sắc đẹp đến lạ kì. Cứ mỗi độ xuân về, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, cả Yên Tử như được khoác thêm chiếc áo cà sa dệt bằng mai vàng.

“Khác với mai vàng miền Nam có ngọn màu đỏ, ngọn mai Yên Tử có màu xanh, lá to và thời gian sinh trưởng rất chậm. Mai vàng miền Nam hoa có nhiều cánh, màu vàng nhạt, không có mùi thơm. Ngược lại, mai rừng Yên Tử hoa có 5 cánh, nở theo chùm, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng, dễ chịu. Thế nên mai vàng Yên Tử được tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển, cao sang và may mắn”, anh Thanh phân tích.

Sinh trưởng trên vùng đất thiêng, bên những vách đá cheo leo hoặc cạnh những con suối, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhưng mai vàng Yên Tử vẫn có tuổi thọ hàng trăm năm và vẫn nở rộ sắc xuân vào tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch. Đặc tính của mai vàng Yên Tử là càng lạnh hoa sẽ càng thơm và bền hơn khi thời tiết càng khắc nghiệt.

Nhiều người cho rằng, mai vàng Yên Tử là biểu tượng thanh cao, tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới, là loài hoa quý còn mãi với thời gian , mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh gắn với non thiêng, như sự trường tồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hoa mai vàng có 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).

Loài hoa huyền bí

Dẫn tôi lên khu vực Hoa Yên, nơi tập trung nhiều “đại lão mai” nhất khu vực Yên Tử, anh Thanh chỉ về bạt rừng phía Nam và giới thiệu đấy là quần thể mai vàng Yên Tử lớn nhất tại khu vực này. Mai yên tử sinh trưởng tốt ở độ cao 600-700m so với mực nước biển. Thân cây cao, tán rộng và gân guốc vì phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của vùng núi này.

Theo quan niệm của người xưa, hoa mai đứng đầu trong “Tuế hàn tam hữu” (3 người bạn trong tiết lạnh) là mai, tùng và trúc. Hoa mai được người xưa ưu ái tôn là bà chúa muôn loài hoa bởi mai có sức sống mãnh liệt, bộ rễ bám sâu vào lòng đất, vách đá núi cao, kiêu hãnh vươn mình trước gió táp mưa sa, vượt qua những ngày đông giá khắc nghiệt để nở hoa đúng vào dịp xuân.

Đi sâu vào rừng về phía thác Bạc, người “gác đền” bắt đầu kể cho tôi nghe về những câu chuyện ly kỳ và có phần ảo diệu về loài hoa gắn liền với địa danh non thiêng Yên Tử cũng như Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trong những năm tháng đầu tiên khi Phật hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử thiền tu, giữa chốn núi rừng hoang vắng, ngài đã bâng khuâng trước vẻ đẹp của bông mai vàng thoát tục hiển hiện trong tiết xuân. Ngắm hoa mai nở, ngài đã tìm thấy trong mỗi cánh hoa mai chứa đựng tâm thiền: Hoa mai vàng rụng cánh khi đang còn hương sắc rực rỡ, thể hiện tính thiền và sự buông bỏ trong Phật pháp.

Nơi núi cao, rừng sâu, bông hoa mai vàng cùng với trúc, tùng trở thành tri kỷ trong suốt thời gian ngài tu thiền tại Yên Tử. Theo thuyết ngũ hành thì màu vàng thuộc hành thổ, biểu tượng cho giống nòi Việt. Hoa mai vàng có 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).

Hiểu được thầm ý của Trần Nhân Tông, tăng chúng cùng nhau trồng thêm nhiều cây mai vàng khắp chốn Yên Tử, thông qua cốt cách của hoa mai để cùng gửi gắm thông điệp “Tâm thiền”. Noi gương sáng của ngài, Pháp Loa, Huyền Quang, cùng các tăng đã chung tay góp sức trồng thêm nhiều cây mai vàng từ đỉnh chùa Đồng xuống tới khu vực chùa Hồ Thiên, chùa Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm.

Vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian, những “đại lão mai” ở thác Vàng, thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu vẫn sừng sững tỏa bóng nơi non cao và nở hoa vàng rực rỡ đúng vào mùa lễ hội xuân Yên Tử.

Triệu triệu bông hoa mai vàng thành kính kết thành tấm cà sa phủ lên non thiêng Yên Tử, góp phần tạo nên vẻ đẹp thuần khiết cùng sự sự linh thiêng huyền bí chốn phù vân.

Cứ mỗi độ xuân về, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, cả Yên Tử như được khoác thêm chiếc áo cà sa dệt bằng mai vàng.

Hoa mai vàng rụng cánh khi đang còn hương sắc rực rỡ, thể hiện tính Thiền và sự buông bỏ trong Phật pháp.Yên Tử