Vệ tinh VNRED Sat-1: Thoát hiểm trong gang tấc với rác vũ trụ

TP - Sáng 29 tháng Chạp (14/2 dương lịch), nhiều cán bộ của Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ đang trên đường về quê ăn Tết thì nhận được tin báo quay lại Hà Nội vì nguy cơ va chạm giữa VNRED Sat-1 với một rác vũ trụ.
Vận hành, điều khiển hệ thống vệ tinh VNRED SAT-1.

5 năm, 9 lần suýt va chạm

VNRED Sat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm này, được phóng lên vũ trụ vào tháng 5/2013. VNREDSat-1 nặng khoảng 120 kg, tổng mức đầu tư 55,8 triệu euro, có nhiệm vụ chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thiên tai.

Theo anh Ngô Duy Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều kiển và Khai thác vệ tinh nhỏ, từ khi đi vào khai thác đến nay, VNRED Sat-1 đã hoạt động tối đa công năng của mình, đóng góp nhiều cho nhu cầu ảnh vệ tinh của Việt Nam. Quá trình hoạt động, VNRED Sat-1 nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc khi suýt va phải rác vũ trụ.

Dịp cận Tết Nguyên đán vừa rồi, Trung tâm nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp các nhiệm vụ Vũ trụ (JSPOC) của Mỹ về nguy cơ va chạm với một rác vũ trụ có kích thước khoảng 5cm. Thời điểm va chạm được dự đoán vào lúc 20h26 ngày 17/02/2018 (giờ Việt Nam), tức ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất, với xác suất va chạm là 5% và sai lệch vị trí tương đối giữa hai mặt phẳng quỹ đạo của vệ tinh VNREDSat-1 và vật thể rác là 0,5m. Đây là xác suất va chạm với độ rủi ro cao nhất từ trước đến nay, vượt ngưỡng 0,1% rất nhiều lần.

Thông thường, thông báo của JSPOC được gửi đến trước một tuần. Các cán bộ của Trung tâm sẽ giám sát, theo dõi vệ tinh. Trường hợp xác suất va chạm cao sẽ phải tiến hành xử lý, lên phương án điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh để tránh va chạm. Dịp cận Tết Nguyên đán vừa rồi, đến ngày 29 tháng Chạp, sau mấy ngày phân tích, tính toán, các cán bộ của Trung tâm quyết định phải tiến hành xử lý để tránh nguy cơ va chạm với vật thể này. Thời gian gấp, phải xử lý ngay trong khi đã là 29 Tết. Nhiều cán bộ của Trung tâm đang trên đường về quê lập tức được “triệu tập”. Anh Vũ Trung Kiên, phụ trách hạ tầng trạm điều kiển, người đang cùng gia đình về Quảng Ninh ăn Tết cũng phải quay xe lại. Anh Nguyễn Đức Hiếu, Trương Tuấn Anh, cán bộ phụ trách về tư thế, quỹ đạo vệ tinh cũng có mặt dù không phải ca trực.

Theo anh Tân, rác vụ trũ có kích thước vài cm nhưng tốc độ vài km/s, nếu va chạm vào vệ tinh VNRED Sat-1 thì hậu quả khôn lường. Trong khi đó, chỉ một ảnh hưởng nhỏ của vệ tinh sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hiệu quả của dự án đầu tư. “Nếu thiết bị ở dưới mặt đất có thể sửa chữa, thậm chí thay mới. Nhưng vệ tinh cách mình 700km, chỉ một thao tác không chuẩn là không thể đoán trước được hậu quả”. Vì vậy, việc xử lý phải đòi hỏi cực kỳ chính xác, nhanh chóng. Cái khó nữa là dù phải điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh nhưng vẫn phải đảm bảo việc chụp ảnh diễn ra bình thường.  

Quãng thời gian 24h sau khi ra quyết định điều chỉnh quỹ đạo vệ tinh để tránh va chạm với rác vũ trụ là thời gian căng thẳng nhất. Các “cán bộ cứng” của Trung tâm phải có mặt, thay ca nhau xử lý vụ việc đến đêm. “Thời gian căng thẳng nhất là khi trực tiếp thao tác, điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh. Phải cẩn trọng từng ly từng tý, chính xác trong từng động tác. Đến sáng hôm sau khi vệ tinh đã thoát hiểm, tất cả mới thở phào, cũng vừa đúng ngày 30 Tết”, anh Tân nhớ lại.

Nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào

Đi vào hoạt động được gần 5 năm, số lần VNRED Sat-1 suýt va vào rác vũ trụ là 9 lần, con số tương đối lớn và nguy cơ ngày càng cao. “Cứ 1-2 tháng, chúng tôi lại nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp các nhiệm vụ vũ trụ (JSPOC) về nguy cơ va chạm giữa rác vũ trụ và VNRED Sat-1. Với những tình huống có xác suất va chạm cao thì phải lên phương án điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh”, anh Tân chia sẻ. Đáng kể là các vụ suýt va chạm của VNRED Sat-1 thường xảy ra vào các dịp lễ, tết ở Việt Nam nên anh em của Trung tâm phải hy sinh khá nhiều thời gian nghỉ ngơi và giành cho gia đình. Mỗi lần như thế anh em có khi lại ăn bánh mỳ cầm hơi, làm xuyên đêm để xử lý, có người phải dắt díu theo vợ con lên cùng.

Theo các cơ quan vũ trụ lớn trên thế giới như NASA (Mỹ) và ESA (Châu Âu) thì số lượng các vật thể rác vũ trụ trên quỹ đạo thấp (600-800km) đang gia tăng rất nhanh. Đây là kết quả của các vụ phóng tên lửa, các vệ tinh hết thời hạn sử dụng rơi xuống tầng thấp và cháy, tạo ra các mảnh vỡ. Vì vậy, rủi ro va chạm giữa các vệ tinh tầm thấp như VNREDSat-1 với các rác vũ trụ ngày càng tăng. “Làm việc ở đây, anh em chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng ứng phó, dù nhiều khi đi đêm về hôm cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình”, anh Tân tâm sự.

Theo thiết kế ban đầu, VNRED Sat-1 có thời hạn hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Tuy nhiên, Viện Công nghệ Vũ trụ cho biết, sau 5 năm hoạt động, các chỉ tiêu kỹ thuật của VNRED Sat-1 không suy giảm so với lúc ban đầu. Vì thế, VNRED Sat-1 sẽ hoạt động trên quỹ đạo lâu hơn  thời gian thiết kế ban đầu. Các cán bộ của Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ dự kiến sẽ còn cứu nguy nhiều lần cho VNRED Sat-1 trước nguy cơ rác vũ trụ đang gia tăng chóng mặt.