Vệ tinh made in Viet Nam đã hoàn thiện, chờ ngày phóng ở Nhật Bản

TPO - NanoDragon – vệ tinh siêu nhỏ do nhóm kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thiết kế, chế tạo đã hoàn thiện, được gửi sang Nhật Bản kiểm định, trước khi phóng lên quỹ đạo vào khoảng tháng 9 năm nay.
Đội ngũ thiết kế, chế tạo bên vệ tinh NanoDragon. Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp.

NanoDragon (nặng khoảng 4 kg), là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020". 

Theo TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh NanoDragon hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam. 

Sau thời gian nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, NanoDragon đã được hoàn thiện và sắp được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ). Sau khi thử nghiệm xong vệ tinh sẽ được đưa trở lại Việt Nam để chờ phóng, trong lúc đó sẽ không được tháo lắp hay thay đổi gì về phần cứng. Đội ngũ phát triển chỉ có thể tối ưu và hoàn thiện phần mềm bay cho vệ tinh. Dự kiến vệ tinh sẽ được phóng miễn phí bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản vào tháng 9/2021.

Trước đó, vệ tinh NanoDragon đã được Cơ quan Nghiên cứu hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA)  thông báo lựa chọn là một trong 15 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo vào năm 2021, theo chương trình chùm vệ tinh thử nghiệm công nghệ lần 2 của Nhật Bản.

TS Lê Xuân Huy cho biết, vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Nhiệm vụ thứ hai là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.  

Song song với quá trình phát triển vệ tinh, nhóm kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng. Trạm mặt đất sắp được hoàn thành phần lắp đặt và chuyển sang vận hành thử nghiệm.

 Vệ tinh NanoDragon được hoàn thiện trước khi gửi sang Nhật kiểm định môi trường. Ảnh: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cung cấp

Việc phát triển NanoDragon tại Việt Nam là bước tiếp theo trong mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Trước đó, Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ như PicoDragon (1kg), đội ngũ 36 cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của GS Nhật Bản cũng đã chế tạo thành công vệ tinh Micro Dragon (50kg). Vệ tinh này sau đó được Nhật Bản phóng miễn phí lên vũ trụ và hoạt động thành công trên quỹ đạo.

Việt Nam cũng đã kí kết gói thầu “Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực” với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Vệ tinh LOTUSat-1, có khối lượng khoảng 570kg, là vệ tinh sử dụng công nghệ radar có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Dự án đồng thời đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, giúp Việt Nam từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh có khối lượng lớn hơn.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, khoa học và công nghệ vũ trụ là biểu tượng của quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật cao. Trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Đặc biệt tại Việt Nam - một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.