> Phân bón giả hoành hành do cán bộ móc ngoặc
> Chất lượng phân bón ngang với… đất
Quen biết thì nương tay
Phân bón kém chất lượng, được làm giả tràn lan do có sự móc ngoặc, làm ngơ của các cơ quan chức năng trong đó có thanh tra nông nghiệp ở địa phương, thưa ông?
Cái này, Bộ NN&PTNT cũng đã chấn chỉnh, và cơ quan thanh tra đề nghị phải kiểm tra. Từ công tác khảo nghiệm, đến cấp phép cho sản phẩm mới, phải chấn chỉnh lại đội ngũ. Việc có tiêu cực hay không phải kiểm tra, và cũng nhạy cảm. Tuy nhiên, có tình trạng xử nhẹ, chẳng hạn khung hình phạt xử 7-10 triệu đồng, nếu quen biết có thể phạt 5 triệu đồng chẳng hạn...
Trong ngành cũng khó nói không có tiêu cực, nhưng vấn đề là bắt được hay không. Tôi cũng đang lo điều này. Chúng tôi vẫn nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu anh em phải tuân thủ các quy định trong hoạt động thanh tra, còn họ tiếp thu đến đâu cũng tùy từng người. Đến nay, các đơn vị của bộ chưa có trường hợp nào “dính”. Đợt thanh tra lần này, tôi chỉ đạo anh em làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Còn xử lý là việc khác. Cơ sở kiểm tra thiếu sót, phải khắc phục, nếu anh nào tái phạm, phải xử lý nghiêm.
Vậy vì sao thời gian qua nhiều loại VTNN như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... giả, kém chất lượng có vẻ mất kiểm soát gây thiệt hại lớn cho nông dân, thưa ông?
Ngoài các sản phẩm do các đơn vị “cuốc xẻng” làm thủ công chui lủi. Việc cấp phép tràn lan, khiến VTNN giống như ma trận; quản lý, kiểm tra không nổi và chắc chắn là có hàng giả, kém chất lượng. Vật tư đầu vào kém, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Từ năm ngoái, chúng tôi phát hiện ở khâu khảo, kiểm nghiệm có vấn đề và việc này, đích thân thanh tra bộ trực tiếp vào cuộc. Bộ trưởng cũng chỉ đạo rà soát lại, “làm” tận gốc, từ khâu khảo, kiểm nghiệm, đến khâu cấp phép. Chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu các địa phương phải thống kê toàn bộ số cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Hiện đoàn thanh tra của Bộ đang làm, sẽ công bố thời gian tới.
Phạt quá nhỏ so với các sai phạm
Đợt thanh kiểm tra lần này liệu có giải quyết được vấn đề gì không?
Sẽ xoáy vào quy trình khảo, kiểm nghiệm đúng hay không; kinh phí là bao nhiêu; tình trạng cấp phép sản phẩm “na ná” ra sao... Với từng loại sản phẩm, chúng tôi xem ai cấp phép; đơn vị nào khảo nghiệm, thời hạn khảo nghiệm có đúng không; chất lượng đảm bảo thế nào... Nếu sản phẩm không đạt đúng quy trình, phải gỡ bỏ giấy phép; bộ sẽ xử lý những sai phạm này. Các cơ quan cấp giấy phép, trước hết tự rà soát lại, chúng tôi tiếp tục kiểm tra và xử lý tiếp.
Thế những lần thanh kiểm tra trước đây có phát hiện xử phạt gì về vi phạm về VTNN?
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, thanh tra bộ ký quyết định xử phạt (từ tháng 7, phân về các tổng cục, cục thuộc bộ xử phạt theo quy định) hơn 4.800 vụ việc; xử phạt trên 6,1 tỷ đồng. Riêng năm 2012, xử phạt hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn quá nhỏ so với những sai phạm thực tế. Cái khó là việc thì nhiều, mà lực lượng thanh tra quá mỏng.
Số biên chế ở Thanh Bộ NN&PTNT đến nay chỉ 41 người; trong khi đó Bộ Tài chính 150 người, Bộ Xây dựng 120 người, Bộ TN&MT 80 người. Mặt khác, theo Luật Thanh tra, công chức mới được làm thanh tra chuyên ngành. Do vậy, có Sở NN&PTNT chỉ 2-3 người, như ở Bắc Kạn, TPHCM cũng chỉ 4 người...
Cảm ơn ông!
Ông Hiền cho biết, hiện cả nước có khoảng 50.000 sản phẩm VTNN, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chế phẩm sinh học... Trong đó, trên 4.000 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, hơn 4.300 loại thức ăn chăn nuôi (trên bờ), thức ăn thủy sản trên 7.750 sản phẩm, phân bón gần 10.000 sản phẩm.
Phạm Anh
thực hiện