Mở cửa giao dịch sáng qua, giá vàng SJC giảm còn 45,75 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra 45,95 triệu đồng/lượng (giảm 200.000đ/lượng).
Các loại vàng miếng tại Hà Nội như Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 42,55 triệu đồng/lượng, bán ra 42,85 triệu đồng/lượng.
Vàng AAA của Tổng Cty vàng Agribank mua vào 43,7 triệu đồng/lượng, bán ra 44 triệu đồng/lượng.
Chị Ánh Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) mang 2 cây vàng SJC đi bán cho biết: “Tôi mua lúc vàng 42 triệu đồng/lượng, nên bán chốt lời. Giá vàng thế giới đang giảm nên khó đoán giá vàng trong nước diễn biến ra sao nên bán kiếm lời cho chắc”.
Sang đến buổi chiều, giá vàng SJC giảm tiếp 200.000 đồng/lượng; Giá Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm 120.000 đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 3 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng kinh doanh Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng khẳng định, lượng mua vào ngày 7-9 bằng lượng mua vào ngày 6-9 là 4.500 lượng nhưng lượng bán ra giảm 400 lượng so với ngày hôm trước: 5.100 lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giảm tới 22 USD/ounce, còn 1.695 USD/ounce, kéo dài khoảng cách chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.
Theo một số chuyên gia, giá vàng trong nước sau khi cộng thêm các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu và gia công chỉ nên chênh lệch với giá vàng thế giới trong khoảng 1% (300.000 đến 500.000 đồng/lượng).
Lý giải việc giá vàng SJC tăng cao trong khi các thương hiệu vàng khác vẫn duy trì mức chênh so với thế giới vài trăm nghìn đồng/lượng, ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: do Ngân hàng Nhà nước chậm trong việc cho phép các đơn vị kinh doanh vàng phi SJC được dập chuyển đổi, trong khi người dân giờ chỉ thích mua vàng thương hiệu SJC.
Bên cạnh, dù SJC được dập lại vàng móp méo nhưng một ngày lượng vàng đưa ra thị trường mới chỉ khoảng 3.000 lượng, trong khi thực tế nhu cầu mua bán lên đến 5.000 lượng. Điều này đã tạo “áp lực” đẩy giá lên cao.
Trong một động thái khác nhiều ngân hàng, đồng loạt tăng lãi suất huy động vàng để “bù đắp” lượng vàng thiếu hụt vì đã “trót” cho vay hoặc bán ra quá tay trước đó.
“Mặt bằng” lãi suất huy động vàng cao nhất lên tới 1,6%/năm. Bên cạnh, giới đầu cơ tranh thủ sự độc quyền của vàng miếng SJC tạo ra sự mất cân bằng cung cầu, dẫn đến giá tăng cao.