Văn xuôi của nhà thơ Dương Kỳ Anh

Sau những truyện ngắn chưa có tiếng vang, Dương Kỳ Anh chuyên chú hơn với thơ cùng nhiều hoạt động xã hội khác mà thậm chí tôi đã nghĩ rằng đó mới là số phận ông và rằng ông là nhà quản lý có làm thơ.

Cái suy nghĩ "xong béng nhau" này khiến tôi không tìm đọc tiểu thuyết Xuyên cẩm, nhưng hóa ra tôi mới là người đơn giản.

Thổ địa đã cuốn hút tôi ngay từ trang đầu và tôi đi liền một mạch. Câu chuyện xoay quanh Thạch Văn Lài, gã lưu manh mổ lợn gia truyền phất lên nhờ ngẫu nhiên làm nghề "cò đất" và khi cần có thể chơi luật rừng để giải tỏa đất thuê.

Từ lưu manh bất tự giác, gã nhanh chóng tạo nên thế lực ngầm và, chẳng cần đợi lâu, giới quyền lực thoái hóa nhìn ra cái "được việc" ở gã bắt tay với gã tạo ra một liên minh ma quỷ, biến gã Chí Phèo đời mới này thành lưu manh chuyên nghiệp.

Gã cho đàn em phá hoại nông sản của vợ chồng nhà hủi, buộc họ phải bán đất, để ông Viện trưởng một Viện nghiên cứu có tên là Thất có thể biến hơn một trăm hécta đất đồi thành sân golf, thành những triệu đô la.

Quái đản hơn, Thạch Văn Lài đã trở thành trưởng thôn đầy quyền lực, đang có cơ trở thành chủ tịch xã; ô tô biển xanh đỗ chật đường làng chở các quan chức đến dự đám cưới con trai gã; từ ông giáo sư, nhà đạo diễn trứ danh cho đến ông nguyên Phó Thủ tướng đã phải đến mừng.

Gã trở thành một thứ thần thổ địa. Như chúng ta đều biết, Thổ địa là ông thần dân gian, được hình dung béo tốt vui vẻ và hiền hậu; như đất đai được coi là mẹ hiền nuôi những đàn con.

Nay thì đất đai đã gây ra bao nhiêu bi kịch, làm mất chức nhiều quan lại, làm nhiều người dân điêu đứng và Thổ địa mới, Thạch Văn Lài ra đời.

Đây, vì vậy, là nhân vật văn học của thời đại, thậm chí nó có cả căn cước, chứ không mơ hồ lò gạch bỏ hoang như họ Chí ngày xưa.

Trên cái nền của bi kịch đất đai đã trở thành ẩn dụ thần quyền cho chuỗi thoái hóa, với các cung bậc khác nhau và nhiều cấp thế quyền.

Nhưng tác giả đã chỉ đi sâu vào cung cách viện trưởng Thất lập dự án sử dụng tiền ngân sách, ăn phần trăm bằng phong bì rồi thuê Thạch Văn Lài "giải tỏa" gia đình nhà hủi để gần như lấy không hơn 100 ha đất.

Bộ đôi Lài - Thất đã trở thành hung thần còn lại là sự khốn cùng về mặt văn hóa.

Dương Kỳ Anh làm Tổng biên tập một tờ báo lớn, ông đã cho in hàng trăm ngàn bài báo chỉ ra những tiêu cực cụ thể, nhưng với tiểu thuyết này, tác giả chỉ ra một sự thật vô hình: Tiêu cực đã di căn vào đến văn hóa, bộ mặt tinh thần của một dân tộc.

Cố nhiên, để trở thành nhân vật văn học, Thạch Văn Lài cần nhiều hơn thế. Gã yêu con riêng của vợ bố, chính người vợ có lối làm tình bốc lửa đã khiến bố gã phạm phòng mà chết; điều ấy có thể tha thức, vì đó là tình yêu, dẫu là một tình yêu thuần túy dục tính.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta thấy tình dục hồn nhiên của Lài trên thực tế đã mang lại hạnh phúc cho vợ con gã, hơn là cứ thuận theo giáo lý mà chuốc lấy oán thù.

Ngay cả khi gã ngoại tình, yêu như trời long đất lở cô ca sĩ Hướng Dương nổi tiếng, rồi khi vợ gã trở về, gã lại "yêu" vợ khiến có cảm giác nghiêng trời lệch đất.

Tôi đã ngạc nhiên trước các trang viết này của một người có tính tình nhã nhặn và quả thật, nghịch lý đã mang một ẩn dụ: Tình dục là bản năng gốc, sức sống của một cộng đồng phụ thuộc vào nó, nhưng khi nó trở nên táo tợn và dị ngợm, nó sẽ ủ nên mầm họa.

Chuỗi tai họa: Bố Lài chết trên bụng vợ, cô ca sĩ sau một tháng nếm tình dục của Lài đã tự tử, sau khi chứng kiến gã làm tình với vợ; rồi lại trực tiếp nghe gã phô bày đặc điểm thân xác cô trong trận cười khả ố của đám tay chân.

Cái chết của ca sĩ Hướng Dương như một tất yếu, và đã đạt đến một chân lý nghệ thuật: Khi cái đẹp và nghệ thuật bị cái phàm tục rờ đến được, đấy là một nguy cơ bởi đó chính là cái phàm tục luôn hằn học đố kị, nó sẽ nghiến ngấu hưởng thụ để thỏa mãn cảm giác "ngang bằng" với tầng lớp thượng lưu trước khi vò nhàu rồi di nát dưới chân.

Cái ác bản năng dục dị ngợm và cả sự u tối nữa đã làm nên vóc dáng Thạch Văn Lài. Ở trên, tôi có nói đến tính rõ ràng của căn cước nhân vật.

Nhưng cái rõ ràng ấy vẫn là một cõi u mê, nó mới thật là người và Lài đã đến hình tượng nghệ thuật chính là ở chỗ này. Mỗi lần vung con dao chọc tiết lợn, gã đều hát.

Gã hát gì rồi cũng đệm vào nốt nhạc bọp bẹp gia truyền mà chính tác giả cũng không hiểu vì sao có nó, chỉ biết rằng, ông nội rồi bố gã đều có điệu hát ấy.

Tôi ngờ rằng bọp bẹp có thể là mầm đen u tối trong tâm thức gã, nếu được giáo hóa tốt rất có thể nó sẽ thăng hoa thành một cây văn nghệ vườn; nhưng trong bối cảnh tiêu cực cộng đồng, cái u mê ấy đã bùng bốc thành ngọn lửa, thành nhiệt năng nuôi dưỡng cái ác.

Thạch Văn Lài đã từ hơn hai trăm trang sách Thổ địa mà ngật ngưỡng bước ra cuộc đời. Nó cần nhiều thời gian hơn để có thể thành hàng xóm với Xuân tóc đỏ, Chí Phèo, chị Dậu, Lão Khùng... hay không. Cái mà tôi biết chắc, nó đã trở thành nhân vật văn học của thời đại, kể cả sự ba via, sự chưa tới mà sẽ xin nói kĩ hơn dưới đây.

Trong Thổ địaXuyên cẩm đều có một nhân vật nhà báo, họ Dương; nhưng ở Xuyên cẩm nó nhân vật hơn chứ không chỉ là mang nhãn quan và biểu cảm của tác giả như ở Thổ địa.

Dương sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, giàu có bị mắc vòng oan sai trong cải cách ruộng đất; mẹ và hai đứa em sinh đôi đã bị chết đói theo nghĩa đen còn chính Dương thì phải đi mót khoai, đi ăn xin để em nuôi bà.

Thật may mắn, đói rét và hiểm nguy đã chỉ như than lửa để trui rèn Dương trở nên bản lĩnh, thông minh và giàu nhân ái chứ không thù hận và yếm thế như không ít người xuất thân trong hòan cảnh tương tự.

Hình như tình yêu cái đẹp sớm nảy nở trong Dương đã khuyến thiện và định hướng cậu bé? Mà làng Cẩm của anh lại như một cái nôi sinh ra quá nhiều người đẹp?

Dẫu sao thì đọc Xuyên cẩm, chúng ta sẽ cắt nghĩa được vì sao Dương Kỳ Anh, chứ không phải là một quan chức thành đạt nào khác, đã tái xuất việc thi hoa hậu ở xứ sở vẫn quen miệng "cái nết đánh chết cái đẹp" này.

Nếu như tính khách quan và tình nhân ái đã giúp tác giả chỉ ra được kẻ mượn gió bẻ măng trong cải cách điền địa lần thứ nhất, những mụ Bèng tham lam, u tối và thất học đã nhấn cái sai chung thành bi kịch cụ thể; thì cũng nó giúp ông chỉ ra được những kẻ cơ hội trong cải cách điền địa lần thứ tư này, đã nhân việc quản lý lỏng lẻo, sơ hở mà chiếm hữu, biến thành vàng rồi bỏ vào két riêng đồng thời đẩy nhân tình thế thái xuống vòng thê thảm.

Mặt khác nếu như Dương - Dương Kỳ Anh với tư cách nhà báo nhìn ra bức xúc thời đại qua nhân vật Lài thì Dương - cậu bé mê gái đẹp từ rất sớm đã giúp cắt nghĩa chất thơ bàng bạc trong những trang văn viết về thời thơ ấu, về tuổi trẻ học đường trong Xuyên cẩm.

Nhưng tác giả đã mắc bẫy của chính mình khi lấy mình làm hình mẫu, anh chỉ có thể kiểm soát ý thức khách quan chứ không thể kiểm soát chủ quan trong vô thức được và vì không thể tuyệt đối khách quan nên cả hai nhân vật nhà báo đều chưa thành công.

Vâng, tuổi trẻ đam mê, lúc trưởng thành theo nghề báo đã làm nên cái mạnh mẽ của văn xuôi Dương Kỳ Anh là có được nhân vật thời đại nhưng nó cũng làm nên cái dàn trải, mải chạy theo sự kiện mà bố cục thiếu chặt chẽ vốn là đòi hỏi nghiêm ngặt của nghệ thuật tiểu thuyết.

Theo Văn Chinh
 Văn nghệ