Văn nghệ sĩ xúc động tiễn biệt 'cây đại thụ văn hóa dân gian' GS.TSKH Tô Ngọc Thanh

TPO - Nhiều văn nghệ sĩ, giảng viên từ các đại học, cán bộ viện nghiên cứu, học trò xúc động tiễn biệt “cây đại thụ trong làng văn hóa dân gian” GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - con trai của danh họa Tô Ngọc Vân. Với họ GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là tấm gương sáng cho các lớp văn nghệ sĩ nước nhà noi theo

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - con trai của danh họa Tô Ngọc Vân - qua đời ngày 24/4, hưởng thọ 90 tuổi. Lễ tang GS.TSKH Tô Ngọc Thanh diễn ra từ 7h30 sáng 6/5 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Nhiều văn nghệ sĩ, giảng viên từ các đại học, cán bộ viện nghiên cứu xúc động tiễn biệt “cây đại thụ trong làng văn hóa dân gian”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - nhận định cuộc đời và sự nghiệp của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là tấm gương sáng cho các lớp văn nghệ sĩ nước nhà noi theo.

“Đức độ và công lao của ông với âm nhạc dân tộc mãi được ghi nhận và có tác dụng lâu dài đối với truyền thống văn hóa nước nhà. Các thế hệ học trò mãi mãi nhớ ơn thầy - một người đôn hậu, hết lòng vì học sinh thân yêu”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp, hậu bối và học trò đến tiễn biệt GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Ảnh: Gia Linh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng là học trò của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Tại lễ tang sáng 6/5, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhớ lại kỷ niệm được ông dạy cách đặt từng dấu chấm, dấu phẩy, cách thức nghiên cứu văn hóa dân gian sao cho đúng bản chất, giá trị.

“Cả cách đặt mình vào vị trí của người trong cuộc, thế nào là cây vũ trụ, làng bản… Tất cả sẽ được tôi mang theo suốt cả cuộc đời”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đồng hành với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh trong công việc nghiên cứu văn hóa dân gian. Dù được theo học mỹ thuật từ sớm, niềm đam mê lớn nhất của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lại là âm nhạc, cụ thể hơn là âm nhạc dân tộc.

Những năm tháng trên Tây Bắc, GS. Tô Ngọc Thanh tự học tiếng các tộc người thiểu số, bắt đầu thực hành nghiên cứu điền dã và sưu tầm dân ca. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể cho đến nay, GS. Tô Ngọc Thanh vẫn là chuyên gia hàng đầu về âm nhạc dân gian các tộc Tây Bắc, đặc biệt là người Thái.

Người thân, gia đình nức nở tiễn đưa GS.TSKH Tô Ngọc Thanh về nơi an nghỉ cuối cùng.

“Điều kỳ vĩ hơn cả là giữa núi rừng âm u hiu quạnh, ông đã tìm tài liệu để mỗi tối thắp đèn dầu tự học tiếng Nga. Thế rồi bản thảo công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Bắc dần hình thành, và được đánh máy… bằng tiếng Nga”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể lại.

Với cả nghìn học trò trên cả nước, GS. Tô Ngọc Thanh là người thầy vĩ đại. Bởi không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng làm nghề, ông còn có thể trao truyền cả nghiệp lớn cho các thế hệ tiếp nối. Những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau ông ít nhiều đều lĩnh hội, thụ hưởng kiến thức từ GS. Tô Ngọc Thanh. Ông được ví như một cây đại thụ lớn của nền khoa học xã hội Việt Nam hiện đại.

Tương phản với dáng người nhỏ thó là khí phách ngang tàng, ánh mắt rực lửa khi giảng bài, chất giọng đanh thép, ngôn từ luôn gãy gọn, không thừa, không thiếu. Đây có coi là những nét phác họa chân dung GS.TSKH Tô Ngọc Thanh.

Nhiều văn, nghệ sĩ, giảng viên từ các đại học, cán bộ viện nghiên cứu xúc động viết lời cuối tiễn biệt “cây đại thụ trong làng văn hóa dân gian”. Ảnh: Gia Linh.

Với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, GS. Tô Ngọc Thanh không chỉ như người thầy, một học giả lớn với khối lượng công trình đồ sộ có tính tiên phong, mà còn là đồng nghiệp lớn, bạn nghề vong niên hiếm có, sẵn lòng chấp nhận mọi sự tranh cãi sòng phẳng, không phân biệt thế hệ, đặc biệt với các học trò thân cận.

"Trong những cuộc điền dã xuyên Việt, bao giờ ông cũng xếp tôi ngủ cùng phòng với ông, đơn giản để cùng trà lá, buôn chuyện với học trò. Ông cũng sẵn lòng dành cả buổi chiều lục tìm kho sách đồ sộ của mình để tìm tài liệu cho tôi… Nhiều người nói ông cưng chiều tôi như con ruột, kể cũng không sai! Mỗi lần đi công tác nước ngoài, bao giờ ông cũng mua quà cho tôi, ngang bằng với con trai Tô Ngọc Thảo và con gái Tô Thị Lệ Thu”, anh Bùi Trọng Hiền tâm sự.

Ngay cả khi sức khỏe yếu, phải nằm viện, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh vẫn hăng say cùng học trò nói chuyện về cồng chiêng, ả đào

Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào 8h45 cùng ngày. Sau đó, thi hài GS.TSKH Tô Ngọc Thanh được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội). Ông được an táng tại nghĩa trang làng Xuân Cầu (Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên).