Vẫn không được tiếp cận các lò hạt nhân

TP - Những chiếc xe tải bị lật nhào, dúm dó, các tòa nhà của lò phản ứng hạt nhân đổ nát, các ống dẫn cao su không ai động đến kể từ thảm họa kép động đất sóng thần hồi tháng ba vừa qua.
Các phóng viên thị sát nhà máy trong trang phục kín từ đầu đến chân

> Nhật Bản: Biểu tình đòi ngừng phát điện hạt nhân

Đó là cảm nhận của phóng viên AP khi lần đầu tiên được vào thị sát nhà máy hạt nhân Fukushima, Nhật Bản.

Các phóng viên thị sát nhà máy trong trang phục kín từ đầu đến chân.

Ngày 12-11, lần đầu tiên các phóng viên được phép tiếp cận nhà máy hạt nhân Fukushima. Hơn 30 phóng viên được phép vào đây, trong đó có 4 phóng viên nước ngoài.

Họ được dẫn đi vòng quanh nhà máy Fukushima nhưng không được tới gần các lò hạt nhân bị hư hại. Họ được mặc các trang bị bảo hộ kín toàn thân, từ bộ quần áo tới giầy dép và mặt nạ.

Trước đây, chính phủ Nhật Bản đã từ chối yêu cầu được thị sát nhà máy của phóng viên với lý do lượng phóng xạ quá cao.

Chuyến thị sát này cho thấy tình hình tại nhà máy này đã dần đi vào ổn định. Ngày 11-11, các phóng viên được đưa tới tham quan J-village, bên cạnh nhà máy Fukushima, nơi trước kia là khu tổ hợp tập luyện bóng đá, giờ đã được sử dụng làm nơi ở của của các kỹ sư, công nhân đang làm công tác dọn dẹp tại nhà máy.

Ngày 12-11, các phóng viên được dẫn đi vòng quanh nhà máy Fukushima và được chụp những bức ảnh đầu tiên bên trong nhà máy đang bị hư hại.

Cùng đi với đoàn báo chí có người đứng đầu nhà máy Fukushima, ông Masao Yoshida. Ông Masao đã kể lại sự khủng khiếp sau trận động đất sóng thần mà ông trải qua. Ông cho biết: “Tuần lễ đầu tiên ngay sau thảm họa, đã có đôi lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ chết.

Tôi tin rằng, nhà máy sẽ ổn định tới mức độ mà người dân xung quanh có thể sống được mà không hề sợ hãi. Tất nhiên, vẫn còn nhiều cái khó khăn để có thể hồi phục lại”.

Tuy nhiên, ông cho biết, tình hình hiện nay đã khá hơn nhiều. Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono cũng cùng đi với đoàn. Ông khen ngợi những nỗ lựcc của các công nhân tại nhà máy. Ông nói: “Mỗi lần tôi trở lại, tôi lại cảm thấy tình hình đã được cải thiện. Đó là nhờ có sự lao động chăm chỉ của các bạn”.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ sớm chấm dứt việc bế quan tỏa cảng các lò hạt nhân bị phá hủy vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nó phải mất vài thập kỷ mới có thể đưa nó vào hoạt động bình thường. Hiện nay, 4 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima đã bị thiệt hại nặng nề bởi trận động đất, sóng thần.

Phóng viên AP đã mô tả, hai lò phản ứng hạt nhân, một được khoác lớp áo màu xanh da trời trong nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi. Mái của chúng đã bị thổi tung, những bức tường bê tông đổ nát trơ lại trên các khung thép.

Trong bóng râm, các thợ đường ống, thợ điện, công nhân lái xe tải, cũng phải đến hàng ngàn người đang cần mẫn làm công việc của mình. Họ mặc bộ quần áo trắng kín từ đầu đến chân. Công việc của họ là dọn dẹp. 8 tháng sau thảm họa, các hoạt động của nhà máy chưa trở lại bình thường. Các xe tải sứt sẹo vẫn lặc lè trên đường.

Nếu như Hiroshima và Nagasaki đã trở thành biểu tượng của sự sợ hãi vũ khí hạt nhân, thì Fukushima cũng góp thêm vào danh sách này.

Các quan chức Nhật bản cho biết, nhà máy đã mất một thời gian dài để có thể ổn định như ngày hôm nay. Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono cho biết: “ Ít nhất, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã vượt qua tình hình tồi tệ nhất.”

Vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng, chỉ một số ít người được ở lại, tất cả phải đi sơ tán. Các quan chức Nhật khoe, hiện giờ số người làm việc đã lên tới khoảng 3.000 người mỗi ngày, nhưng chỉ bằng một nửa so với trước khủng hoảng (6.400 người).

Khu vực cấm vào quanh nhà máy có lẽ sẽ còn có hiệu lực trong nhiều năm nữa, nếu không muốn nói là vài chục năm nữa. Các quan chức Nhật Bản miễn cưỡng thừa nhận, hàng vạn người dân xung quanh nhà máy đã phải đi sơ tán và có thể sẽ không bao giờ có thể trở về nhà cũ của mình được nữa.

Hạnh Lê
Theo AP, BBC

Theo Báo giấy