Theo tài liệu điều tra được công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 22/8/2018 đến ngày 15/6/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn) đã thành lập nhiều công ty "sân sau" và phân công nhân viên của Công ty AIC đứng tên đại diện pháp luật hoặc làm kế toán trưởng cho các công ty này, trong đó có bị can Nguyễn Thị Thu Phương (Trưởng bộ phận Thư ký Cty AIC).
Cụ thể, kết quả điều tra xác định, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi, tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Các bị can đã thông đồng với đơn vị tư vấn để ban hành chứng thư thẩm định giá cao hơn thực tế, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, bà Phương và bộ phận thư ký tài chính đã được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ủy quyền để quản lý và điều hành hoạt động của các công ty "sân sau" trong hệ sinh thái AIC, bao gồm Công ty Mopha, Công ty Phúc Hưng (do anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC, làm giám đốc), Công ty Uy tín Toàn Cầu, Công ty Công nghệ cao...
Bên cạnh đó, bà Phương còn bị cáo buộc tham gia vào việc giúp bà Nhàn ký vào mục kế toán trưởng trong báo cáo tài chính các năm 2010, 2011 và 2012, nhằm hợp pháp hóa hồ sơ thầu cho các công ty "quân xanh" và giúp AIC trúng thầu.
Dựa trên tài liệu và hồ sơ đã thu thập, cùng với lời khai của một số bị can và những người có liên quan, C03 đã có đủ căn cứ xác định rằng bà Nguyễn Thị Thu Phương đã tham gia vào việc điều hành các công ty trong hệ sinh thái tham gia thầu tại dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Trước khi cơ quan công an khởi tố bà Phương (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhưng bà này đã bỏ trốn. Sau đó cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã với bà này. Ngày 28/8/2023, Bộ Công an phát tin về việc bà Phương đã đầu thú với cơ quan điều tra.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, CQĐT đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Các cá nhân khác bao gồm cựu cán bộ, lãnh đạo tại Công ty AIC, Sở Y tế Quảng Ninh, và Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh... bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bỏ trốn và bị tuyên vắng mặt 30 năm tù hồi đầu năm, tiếp tục bị khởi tố trong vụ án tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Đây là vụ án thứ 3, bà Nhàn bị điều tra.
Bà Nhàn cùng 8 người khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can trong vụ án bị cáo buộc có sai phạm trong việc thực hiện Dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 Phòng Thí nghiệm TTCNSH gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.